Tăng cường kiểm tra, hạn chế thực phẩm không an toàn dịp Tết

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu về lương thực, thực phẩm tươi sống, hàng hóa phục vụ cưới hỏi, liên hoan, sum họp gia đình và chuẩn bị cho Tết cổ truyền tăng cao. Đây cũng là thời điểm dễ xảy ra tình trạng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ thực không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm trục lợi, đòi hỏi công tác kiểm tra, kiểm soát cần được siết chặt và tăng cường.

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở sản xuất thực phẩm.

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở sản xuất thực phẩm.

Theo Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022 trên địa bàn tỉnh, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP các tuyến chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau Tết và mùa Lễ hội Xuân 2022 tùy theo đặc thù, điều kiện của từng địa phương từ ngày 05/01/2022 đến 12/3/2022.

Đối với tuyến tỉnh, tổ chức 3 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP, tiến hành kiểm tra tại 8 huyện, thành phố. Trong đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (Sở Y tế) chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành số 1, tiến hành kiểm tra tại huyện Nho Quan, Gia Viễn và Hoa Lư. Thanh tra Sở Công thương chủ trì đoàn số 2, kiểm tra tại thành phố Ninh Bình, huyện Yên Mô. Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở NN&PTNT) chủ trì đoàn số 3, kiểm tra tại huyện Yên Khánh, huyện Kim Sơn và thành phố Tam Điệp. Còn tại các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện, tuyến xã.

Cùng các Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh, tiến hành kiểm tra tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nhận thấy, vẫn còn có những lỗi vi phạm mà các cơ sở đang mắc phải: Chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; người tham gia sản xuất, chế biến không được khám sức khỏe định kỳ, không được tập huấn nâng cao kiến thức ATTP; nguyên liệu, phụ gia chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác; việc bố trí, sắp xếp và bảo quản các nguyên liệu thực phẩm chưa đúng quy định....

Tại một cơ sở sản xuất giò chả được đánh giá có quy mô lớn trên địa bàn thành phố Tam Điệp nhận thấy, mặc dù cơ sở vật chất, điều kiện sản xuất được xây dựng khang trang, đầu tư nhiều trang thiết bị bảo quản, dụng cụ chế biến hiện đại, như tủ âm, tủ hấp, máy thái thịt, dụng cụ đựng thực phẩm bằng inox... nhưng thực hành thì không đảm bảo vệ sinh. Bởi khu sản xuất, chế biến còn để nước đọng ẩm ướt, dụng cụ đựng thực phẩm dính mỡ lâu ngày, khăn lau tay, lau đồ dùng đổi màu, có ruồi, muỗi bám đậu nhìn rất mất vệ sinh...

Kiểm tra đột xuất tại một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn huyện Kim Sơn, nhận thấy, các sản phẩm hàng hóa để lẫn lộn, chồng chất với nhau, làm ảnh hưởng đến mùi vị, giảm chất lượng sản phẩm. Đặc biệt khi kiểm tra cho thấy, còn nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng, không được phân loại để kiểm soát thời hạn sử dụng.

Đồng thời, nhiều góc, nơi chất để các mặt hàng tại cửa hàng thường để lâu ngày, nhiều bụi bẩn, ẩm thấp... Chủ cửa hàng cho biết do nhà chật nên nhập hàng về cứ để lẫn lộn, khi khách có nhu cầu mua thì mang ra bán...

Bà Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Qua kiểm tra, đánh giá ban đầu tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các địa phương được kiểm tra, nhận thấy, cùng với ý thức sản xuất, kinh doanh đều đã được nâng. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở đều còn có vi phạm, với những lỗi khác nhau, từ nhỏ đến lớn. Trong đó, lỗi thường gặp hơn cả là điều kiện nơi chế biến, sản xuất, cơ sở vật chất, kiến thức người thực hiện; các điều kiện về bảo quản thực phẩm, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa....

Các cơ sở đều có nhiều lý do đưa ra để biện minh cho những lỗi sai phạm, như đang chờ hoàn thiện thủ tục giấy tờ; nhân viên vừa mới hết hạn khám sức khỏe định kỳ hoặc cho rằng các thủ tục, điều kiện đó chưa thật cần thiết... Trong quá trình kiểm tra, các đoàn đều chỉ ra cụ thể các lỗi để các cơ sở khắc phục và yêu cầu địa phương hậu kiểm để đánh giá tình hình thực hiện.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hường, việc tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất trong dịp Tết Nguyên đán nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Qua đó hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp. Thông qua kiểm tra để nhắc nhở, xử phạt nghiêm minh, mang tính răn đe và thông báo danh tính trên các cơ quan thông tin đại chúng, tạo sự chuyển biến tích cực trong các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Đồng thời, trong quá tình kiểm tra, các thành viên trong đoàn còn tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về ATTP, làm rõ vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác thông tin, giáo dục truyền thông về ATTP, huy động tối đa các kênh truyền thông, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn đến người dân, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe và dư luận xã hội.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tang-cuong-kiem-tra-han-che-thuc-pham-khong-an-toan-dip-tet/d20220120220453843.htm