Tăng cường kiểm tra, xử lý người lang thang xin ăn

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM cho biết 6 tháng đầu năm 2024, sở đã tiếp nhận 703 người, trong đó 42 trẻ em, 391 người đang độ tuổi lao động, 114 người cao tuổi, 90 người Campuchia...

Ngày 21-6, ông Nguyễn Hoàng Tâm, Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP HCM), cho biết sau 1 tuần ra quân mở cao điểm thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp, lực lượng chức năng đã thu dung tất cả 21 người (trong đó, 17 người lang thang thì phát hiện 4 người dương tính với ma túy), đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội, đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Cùng ngày, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM cho biết 6 tháng đầu năm 2024, sở đã tiếp nhận 703 người, trong đó 42 trẻ em, 391 người đang độ tuổi lao động, 114 người cao tuổi, 90 người Campuchia...

Người lang thang xin ăn sẽ được đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội (ảnh: Anh Vũ)

Người lang thang xin ăn sẽ được đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội (ảnh: Anh Vũ)

Về thủ tục đưa trẻ em, người lang thang xin ăn vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội và Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần, Sở LĐ-TB-XH cho biết sau khi tổ chức tập trung, tổ công tác đưa người vào các trung tâm.

Đối với trẻ em dưới 6 tuổi không đi kèm người thân, tổ công tác thực hiện ghi nhận bị bỏ rơi, đưa vào các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc trẻ em. Thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, người lang thang xin ăn tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội và Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần là 90 ngày, kể từ ngày bàn giao.

Sau khi tiếp nhận đối tượng, các trung tâm thực hiện đánh giá về mức độ tổn thương, khả năng phục hồi và nhu cầu trợ giúp của đối tượng để có kế hoạch trợ giúp.

"Khi tiếp nhận, chúng tôi xác minh thông tin nhân thân, nơi cư trú, người thân và hỗ trợ thực hiện giấy tờ tùy thân cần thiết.

Đối với trẻ em, chúng tôi thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 25 ngày làm việc. Sở cũng thường xuyên phối hợp các cơ quan chức năng rà soát, lập danh sách các khu vực có trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật có nguy cơ lang thang xin ăn để kịp thời vận động, thuyết phục và hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm giúp ổn định đời sống.

Tuyên truyền, vận động chủ các khu nhà trọ phối hợp địa phương trong việc thông tin về tình trạng của người ở trọ có nguy cơ lang thang xin ăn hoặc có dấu hiệu chăn dắt trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật lang thang xin ăn" - ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, thông tin.

Theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) HĐND TP HCM, Ban VH-XH từng tổ chức đi khảo sát việc quản lý nhà nước về trẻ lang thang, ăn xin, chăn dắt... trên địa bàn. Qua khảo sát và được các sở, ngành, địa phương báo cáo, nhận thấy UBND thành phố đã có nhiều chỉ đạo, chương trình song việc tổ chức và thực hiện giữa các sở, ngành, địa phương chưa đạt hiệu quả.

Cần khắc phục, bổ sung một số vấn đề. Cụ thể, số đường dây nóng để người dân phản ánh chưa đồng bộ, mỗi nơi có số đường dây nóng riêng, người dân không biết hoặc nhớ được. Cần có đường dây nóng chung của toàn thành phố về vấn đề này như tích hợp tổng đài 1022, để người dân phản ánh rồi chuyển về địa phương.

Phải ra quân đồng bộ, tránh tình trạng làm ở địa phương này họ lại qua địa phương khác. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh, thành, có thể thông qua phần mềm quản lý chung, để quản lý chặt chẽ.

Cuối cùng, lực lượng công an cần mở các chuyên án điều tra chuyên sâu để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp có yếu tố chăn dắt ăn xin. Tòa án nên đưa ra xét xử lưu động để răn đe, tuyên truyền.

Ban VH-XH đã kiến nghị Sở LĐ-TB-XH có các giải pháp tham mưu kịp thời cho UBND TP HCM để thực hiện công tác này. Hiện thành phố đang tập trung ra quân, Ban VH-XH cũng sẽ theo dõi, giám sát, đồng hành với các đơn vị để có giải pháp tốt hơn.

Phạm Dũng - Anh Vũ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tang-cuong-kiem-tra-xu-ly-nguoi-lang-thang-xin-an-196240621205520358.htm