Tăng cường mức độ an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng
Khẳng định việc Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ góp phần tăng cường mức độ an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển ổn định, bền vững, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp NGUYỄN VĂN HIỂN cho rằng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành cần khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, thống nhất, khả thi trên thực tiễn ngay khi Luật có hiệu lực.
Tạo cơ sở pháp lý xử lý nhanh vấn đề nợ xấu, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế
- Đánh giá về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, nhiều ý kiến kỳ vọng, Luật sẽ tác động sâu rộng đến các hoạt động kinh doanh, quản trị của các tổ chức tín dụng. Ông đánh giá như thế nào về tác động của đạo luật này đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội?
- Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), được Quốc hội khóa XVthông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm ngày 18.1 vừa qua, sẽ có hiệu lực thi hành từ 1.7.2024.
Về tác động, có thể thấy, việc Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ tăng cường mức độ an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, tách bạch hoạt động quản trị với hoạt động điều hành, tăng cường tính đại chúng, minh bạch thông tin và khả năng giám sát của đại chúng cũng như cơ quan quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng. Các quy định này cũng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới.
Cụ thể, để nâng cao năng lực quản trị, điều hành, minh bạch hóa hoạt động của tổ chức tín dụng, hạn chế tình trạng thao túng, chi phối hoạt động của cổ đông lớn tại tổ chức tín dụng, Luật giới hạn trần sở hữu mới tại một ngân hàng. Theo đó, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác (Điều 63). Quy định về hạn chế mới về hạn mức cấp tín dụng sẽ giảm hạn mức tín dụng cho khách hàng và người có liên quan. Tuy nhiên, sự thay đổi này sẽ theo lộ trình diễn ra trong 5 năm thay vì một lần.
Bên cạnh đó, Luật quy định trách nhiệm công bố, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, bổ sung, bảo đảm quyền của cổ đông thiểu số; sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện người quản lý, điều hành, nâng cao tính độc lập, chuyên trách của thành viên Hội đồng Quản trị độc lập; thành viên Ban kiểm soát; tăng số lượng tối thiểu thành viên Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại, sửa đổi, bổ sung để tăng cường trách nhiệm của Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng... (Điều 49, Điều 50, Điều 51…).
Ngoài ra, Luật cũng quy định, tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho một khách hàng vượt quá 10% vốn tự có (giảm từ 15%) và một khách hàng và người có liên quan 15% (giảm từ 25%) tại Điều 135. Tuy nhiên, việc giảm này cũng sẽ diễn ra theo lộ trình. Cụ thể, từ ngày Luật có hiệu lực thi hành đến 1.1.2026, thì giảm xuống 14% vốn tự có với một khách hàng và 23% vốn tự có với một khách hàng và người có liên quan; đến 1.1.2027 giảm xuống lần lượt là 13% và 21%; đến 1.1.2028 xuống 12% và 19%; đến 1.1.2029 thì buộc phải đáp ứng quy định theo Luật (Điều 136). Việc giảm tỷ lệ cho vay đối với một khách hàng và người có liên quan nhằm giúp đa dạng hóa danh mục tín dụng, giảm thiểu rủi ro đạo đức từ phía khách hàng và rủi ro quá hạn cho tổ chức tín dụng.
- Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Quốc hội ban hành ngày 21.6.2017 và đã hết hiệu lực từ 31.12.2023. Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua sẽ giúp lấp đầy khoảng trống pháp lý, khắc phục việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại như thế nào, thưa ông?
- Vấn đề xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại cũng được Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đặc biệt quan tâm nhằm lấp khoảng trống pháp lý, khắc phục được việc Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã hết hiệu lực. Theo đó, vấn đề xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm được quy định thành một chương riêng (Chương XII) với 6 điều. Có thể nhận diện những nội dung trọng tâm của Chương này qua 4 điểm lớn:
Thứnhất, Luật đã luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã được kiểm nghiệm từ thực tiễn và mang lại kết quả đạt tốt, đồng thời Luật kế thừa các quy định về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai…
Thứ hai, các quy định về nợ xấu được quy định tại Chương XII của Luật, bao gồm: nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán; nợ xấu mà tổ chức mua bán, xử lý nợ đã mua của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng chưa thu hồi được nợ (Điều 195).
Thứ ba, quy định về mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, theo quy định của Luật thì: tổ chức mua bán, xử lý nợ được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường hoặc mua bằng trái phiếu đặc biệt, được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tổ chức mua bán, xử lý nợ chỉ được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo giá trị thị trường. Cùng với đó là quy định về tổ chức mua bán, xử lý nợ được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân; và tổ chức mua bán, xử lý nợ được thỏa thuận với tổ chức tín dụng phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và chi phí xử lý (Điều 197).
Thứ tư, quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán, bảo đảm sự tương thích với các quy định pháp luật về dân sự, pháp luật về phá sản.
Những quy định nêu trên sẽ góp phần nhất định giúp các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn với một phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý, từ đó giúp dòng tiền của các doanh nghiệp được khơi thông, giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt nhóm ngân hàng niêm yết có tỷ lệ cho vay bất động sản cao; trên bình diện chung, việc quy định xử lý nợ xấu trong Luật góp phần tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu hơn nhằm xử lý nhanh vấn đề nợ xấu, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Thiết lập cơ sở pháp lý vững chắc hơn, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của ngân hàng chính sách
- Trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này có bổ sung một Chương II về ngân hàng chính sách.Ông đánh giá như thế nào về nội dung mới này?
- Chương II về Ngân hàng chính sách bao gồm 11 điều (từ Điều 16 đến Điều 26), quy định về tổ chức và hoạt động của ngân hàng chính sách. So với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, đây là một chương mới được bổ sung theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 23 (tháng 5.2023), trên cơ sở luật hóa các quy định trong các văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm và phát huy tác dụng tốt trong thực tiễn.
Đó là các quy định về thành lập, hoạt động và quản lý nhà nước đối với ngân hàng chính sách; chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu nhà nước của ngân hàng chính sách; vốn điều lệ, cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng chính sách; Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc của ngân hàng chính sách; bảo đảm hoạt động, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, báo cáo của ngân hàng chính sách; xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của ngân hàng chính sách; cơ chế tài chính, tiền lương, tổ chức lại, giải thể, kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng chính sách…
Với Chương mới được bổ sung về ngân hàng chính sách, Luật đã thiết lập cơ sở pháp lý vững chắc hơn, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả trong hoạt động của ngân hàng chính sách, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại và phát triển các ngân hàng này.
- Việc Quốc hội thông qua Luật sau quá trình nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng là rất quan trọng. Nhưng để các điều luật mới, tích cực, tiến bộ đi vào cuộc sống, thì khâu ban hành văn bản hướng dẫn thi hành cần được đẩy nhanh để theo kịp thời điểm Luật có hiệu lực, thưa ông?
- Cùng với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua là một trong những điểm nhấn quan trọng trong hoạt động lập pháp của Quốc hội đầu năm 2024 cũng như của cả nhiệm kỳ khóa XV.
Đối với Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), qua thống kê sơ bộ, ước tính có 10 điều khoản có nội dung giao Chính phủ quy định; khoảng 62 điều khoản có nội dung giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định. Như vậy, số lượng các vấn đề do Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước được Luật giao ban hành là khá lớn. Điều này đòi hỏi quyết tâm và trách nhiệm rất lớn của Chính phủ, của Ngân hàng nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Vì vậy, ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành cần khẩn trương, nỗ lực rất lớn để có thể sớm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật để bảo đảm khi Luật có hiệu lực sẽ được thi hành kịp thời, hiệu quả, thống nhất, khả thi trên thực tiễn.
- Xin cảm ơn ông!