Tăng cường năng lực của lực lượng chuyên ngành thú y
Nếu xây dựng được hệ thống thú y sẽ phòng chống được dịch bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây sang người, truy xuất nguồn gốc, quản lý giết mổ, an toàn thực phẩm, quản lý thuốc, đẩy mạnh xuất khẩu.
Ngày 15/4, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những câu chuyện bất cập về lực lượng thú y trong thời thời gian qua, hy vọng sẽ được giải quyết thông qua Đề án mới này.
Kiêm nhiệm không hiệu quả
Từ năm 2018 đến nay, các địa phương đã sắp xếp lại hệ thống thú y các cấp. Cụ thể có 7/63 tỉnh, thành phố sáp nhập Chi cục Thú y cấp tỉnh với các đơn vị khác của ngành nông nghiệp cấp tỉnh; 36/63 tỉnh, thành phố sáp nhập Trạm Thú y với các đơn vị khác của ngành nông nghiệp cấp huyện và chuyển thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp do UBND cấp huyện quản lý. Những thay đổi này đã dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ quản lý chuyên ngành thú y các cấp.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An chia sẻ: “Có một thực tế tại Long An là việc củng cố hệ thống thú y cấp xã đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, có đến 20% cán bộ thú y cấp xã bố trí không đúng năng lực, nhiệm vụ, có những địa phương công an viên cũng được giao nhiệm vụ kiêm thú y viên. Trong khi 80% cán bộ thú y dù có trình độ thú y nhưng kinh nghiệm giám sát dịch bệnh còn hạn chế”.
Cũng theo bà Khanh, đã có nhiều cán bộ thú y cấp huyện trên địa bàn tỉnh Long An làm đơn xin nghỉ việc vì “cực quá”, họ chỉ được hưởng mức lương khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng nhưng làm việc của cả lực lượng thú y và khuyến nông.
Từ thực tế đó, bà Khanh kiến nghị Bộ NN&PTNT cần thống nhất với Bộ Tài chính có phương án điều chỉnh chế độ cho lực lượng thú y cơ sở, nếu không công tác giám sát, quản lý dịch bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Việc sáp nhập lực lượng thú y vào trung tâm dịch vụ nông nghiệp khiến hoạt động của lực lượng này không hiệu quả, do chưa phân biệt được đây là đơn vị sự nghiệp giao nhiệm vụ hay đấu thầu. Do vậy, tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT làm việc với Bộ Nội vụ để định hình tổ chức bộ máy nhà nước của trạm thú y. Hiện nay, việc sắp sếp lực lượng thú y được mỗi địa phương triển khai một kiểu. Không chỉ trạm thú y, ngay cả trạm bảo vệ thực vật hay khuyến nông cũng đang có vấn đề. Theo chức năng nhiệm vụ, trung tâm dịch vụ nông nghiệp phải triển khai các công việc của lực lượng thú y trước đây nhưng khi giao nhiệm vụ thì họ trả lời, họ làm dịch vụ, có lãi thì làm”, bà Khanh nêu thực tế.
Trong khi đó, đại diện tỉnh Cà Mau cho biết, lực lượng thú y của địa phương thậm chí còn được sáp nhập với cán bộ bảo vệ thực vật.
Tăng cường năng lực hệ thống thú y
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tại Việt Nam, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm đã xảy ra ở diện rộng, gây tổn thất rất lớn về con người và kinh tế, điển hình như cúm gia cầm, cúm lợn, bệnh dại, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục… Trong đó, chỉ tính riêng dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại cho nền kinh tế nước ta khoảng 28.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng là rào cản kỹ thuật rất lớn đối với xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật từ Việt Nam sang các nước.
Vì vậy, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nếu xây dựng được hệ thống thú y sẽ phòng chống được dịch bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây sang người, truy xuất nguồn gốc, quản lý giết mổ, an toàn thực phẩm, quản lý thuốc, đẩy mạnh xuất khẩu…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030 sẽ có 4 dự án theo danh mục ưu tiên. Theo đó sẽ tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người. Tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật. Nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc, vaccine thú y bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả. Đầu tư, nâng cấp, tăng cường năng lực quản lý, hệ thống các phòng thí nghiệm chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Nói rõ hơn về việc triển khai Đề án, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, Đề án sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước đồng thời đảm bảo hoạt động thú y được triển khai hiệu quả.
“Những địa phương đã sáp nhập các trạm thú y thành các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cần kiện toàn lại trạm thú y theo quy định của Luật Thú y. Luật Thú y quy định, trên Trung ương có Cục Thú y, dưới tỉnh là các Chi cục Chăn nuôi - Thú y trực thuộc Cục Thú y, dưới huyện là các trạm chăn nuôi – thú y, trực thuộc Chi cục Chăn nuôi - Thú y, có trách nhiệm thực hiện quản lý chuyên ngành thú y của địa phương đó. Ngoài ra, dưới cấp xã, tùy từng địa phương bố trí lực lượng thú y thực hiện nhiệm vụ tại các xã”, ông Long nói.
Ông Long cho biết thêm, thời gian tới, Cục Thú y sẽ tiếp tục triển khai chương trình phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh củng cố hoạt động kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm soát thuốc thú y, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; giảm tình trạng kháng kháng sinh.