Tăng cường nguồn cung và quản lý giá vật liệu xây dựng
Những năm gần đây, sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn cung VLXD chưa đáp ứng được nhu cầu của các công trình xây dựng, nhất là cát, đất phục vụ cho xây dựng các công trình giao thông, giá các loại VLXD chưa được quản lý chặt chẽ.
Khai thác đá, đất làm vật liệu xây dựng tại xã Hà Tân (Hà Trung).
Thời gian qua, Sở Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan lập, thẩm định và trình HĐND, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, phê duyệt các quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD chung trên địa bàn tỉnh. Kết quả đến nay trên địa bàn tỉnh, đất làm VLXD thông thường có 233 mỏ, diện tích khoảng 2.469 ha, trữ lượng khoảng 235 triệu m3. Đá làm VLXD thông thường 187 mỏ, khu mỏ, tổng diện tích 3.976 ha, trữ lượng khoảng 652 triệu m3. Cát làm VLXD 124 mỏ, điểm mỏ, diện tích 571 ha, trữ lượng khoảng 18 triệu m3. Các mỏ khoáng sản đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện Sở Xây dựng vẫn đang tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát 5 mỏ khoáng sản (1 mỏ đất, 3 mỏ cát, 1 mỏ đá làm nguyên liệu xi măng), nếu đủ điều kiện sẽ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng bổ sung vào quy hoạch khoáng sản của Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố và chủ đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh, từ nay đến năm 2025 nhu cầu sử dụng VLXD, đất làm vật liệu san lấp khoảng 178 triệu m3, đá làm VLXD thông thường 34,75 triệu m3, cát làm VLXD thông thường 21,87 triệu m3. Như vậy, từ nay đến năm 2025, các mỏ khoáng sản đất, đá được quy hoạch cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu VLXD cho công trình. Đối với cát xây dựng khuyến khích đầu tư cát nghiền từ đá thay thế việc sử dụng cát sỏi lòng sông cho công trình xây dựng, để giảm thiểu ảnh hưởng sạt lở đê điều, bờ bãi sông.
Việc khảo sát, công bố VLXD, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã ban hành quyết định về việc thành lập tổ liên ngành khảo sát, gồm Sở Xây dựng, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa và UBND các địa phương có mỏ VLXD, thu thập thông tin giá VLXD (đất, cát, đá) tại các mỏ trên địa bàn tỉnh. Nội dung khảo sát về giá vật liệu đất đắp nền, như báo giá bán tại mỏ (giá bốc lên phương tiện vận chuyển tại mỏ, đã bao gồm các phí, lệ phí và thuế VAT), bảng tính chi tiết cấu thành giá bán (có hồ sơ, tài liệu... kèm theo), hợp đồng mua bán kèm theo các hóa đơn giá trị gia tăng xuất bán trong thời gian gần nhất. Sau khi khảo sát, liên Sở Xây dựng - Tài chính thực hiện công bố giá đất đắp nền phục vụ các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh. Từ tháng 7-2022, các địa phương đã tổ chức khảo sát, điều tra thông tin giá VLXD, tổng hợp gửi Sở Xây dựng, Sở Tài chính đối với các loại VLXD phổ biến và chủ yếu có trên địa bàn theo định kỳ hằng tháng và liên sở thực hiện công bố giá VLXD đến hiện trường xây lắp của các huyện trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc kiểm soát giá VLXD, như cát, đất đắp nền và đây là các loại VLXD không thuộc danh mục hàng hóa Nhà nước định giá, bình ổn giá và tổ chức hiệp thương giá (theo quy định tại Luật Giá số 11/2012/QH13), các doanh nghiệp tự định giá bán sản phẩm và niêm yết giá bán theo quy định. Chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, cơ quan thẩm định, đơn vị tư vấn chủ yếu căn cứ công bố giá VLXD để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, chưa thực hiện đầy đủ việc xác định giá xây dựng công trình theo hướng dẫn tại Khoản 1.2 Mục I Phụ lục số IV Thông tư số 11/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Ngoài ra, khó khăn trong công tác khảo sát giá đất đắp, như thiếu thông tin để công bố giá (doanh nghiệp không cung cấp hoặc cung cấp nhưng thiếu dữ liệu để công bố giá), thiếu dữ liệu để đánh giá làm cơ sở công bố (giá thành, chất lượng...). Tại cùng một địa bàn xã nhưng giá bán chênh lệch nhau lớn giữa các doanh nghiệp, cơ cấu hình thành giá bán chưa phù hợp (như giá bốc xúc lên xe vận tải cao hơn so với định mức, lợi nhuận của doanh nghiệp quá cao...) nên chưa đủ thông tin để liên sở công bố giá.
Đồng chí Phan Lê Quang, Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng, cho biết: Để tăng cường nguồn cung và quản lý giá VLXD bảo đảm ổn định, lành mạnh, minh bạch, Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát các mỏ khoáng sản mới (đất, đá, cát) nếu đủ điều kiện, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh bổ sung vào quy hoạch khảo sát, thăm dò khoáng sản tỉnh Thanh Hóa, để có thêm nguồn vật liệu đáp ứng nhu cầu xây dựng trước mắt và lâu dài. Sở Xây dựng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn các chủ đầu tư công trình, dự án trọng điểm tiếp cận các mỏ đủ điều kiện để cấp phép có khoảng cách gần công trình làm cơ sở để lập đơn giá phù hợp, bảo đảm nguồn vật liệu cung cấp đủ cho công trình. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư, các chủ mỏ đá làm VLXD thông thường thực hiện đầu tư bổ sung dây chuyền công nghệ sản xuất cát nghiền từ đá, tận thu tối đa nguồn khoáng sản tại mỏ, tăng nguồn cát nghiền thay thế cát tự nhiên cho công trình xây dựng.
Đi đôi với đó, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan, thường xuyên kiểm tra, khảo sát giá, trữ lượng, khối lượng cung ứng VLXD tại các mỏ, điểm tập kết, nơi sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và cung ứng VLXD trên địa bàn tỉnh để bám sát diễn biến của thị trường VLXD. Trên cơ sở đó, kịp thời cập nhật, công bố hằng tháng (hoặc sớm hơn) giá những loại VLXD có biến động lớn để các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng biết, thực hiện. Sở Tài chính thường xuyên tổ chức kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá của tổ chức, cá nhân trên địa bàn; hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của UBND tỉnh. Tổ chức kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với đất san lấp, cát xây dựng và các loại VLXD có biến động giá lớn trên địa bàn tỉnh. Cục Thuế chỉ đạo các chi cục thuế, phối hợp cung cấp hóa đơn giá trị gia tăng vật liệu đất đắp nền, cát xây dựng phát sinh trong tháng (hoặc trong quý) trên địa bàn cho UBND các huyện, thị xã, thành phố tham khảo, tổng hợp, báo cáo kết quả khảo sát giá VLXD trên địa bàn. Cục Quản lý thị trường tổ chức thực hiện công tác quản lý thị trường hàng hóa VLXD trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan tổ chức kiểm tra nhãn hàng hóa, việc chấp hành niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh VLXD.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác khảo sát, điều hành giá và đề nghị các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực VLXD trên địa bàn niêm yết, công khai giá bán, cam kết bán đúng giá niêm yết và chịu trách nhiêm trước pháp luật khi bán không đúng giá niêm yết. Hằng tháng tiến hành khảo sát, điều tra giá VLXD trên địa bàn và báo cáo kết quả khảo sát giá gửi về Sở Xây dựng trước ngày 15 hàng tháng, làm cơ sở để liên Sở Xây dựng - Tài chính công bố giá VLXD đến hiện trường xây lắp của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh... Các chủ mỏ vật liệu đất san lấp, cát, đá đã được cấp phép dài hạn trên địa bàn tỉnh, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản, thực hiện niêm yết giá và bán đúng với giá niêm yết theo quy định.