Tăng cường nguồn lực, quan tâm đời sống để giữ chân giáo viên mầm non
Kinhtedothi – Thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên mầm non là nội dung quan trọng được các địa phương cũng như Bộ GD&ĐT rất quan tâm. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm tìm hướng giải quyết cho tình trạng này.
Giáo viên mầm non khó khăn về mọi mặt
Chia sẻ về thực trạng của cấp học mầm non, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa cho hay: Hà Nội hiện có 2.557 cơ sở giáo dục mầm non độc lập và khó khăn TP đang gặp phải với cấp học này là số cơ sở giáo dục mầm non độc lập phát triển nhanh, không theo quy hoạch, nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư; mặt khác, đội ngũ giáo viên, nhân viên làm việc không ổn định và có biến động.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, giáo viên mầm non chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ việc, nhiều cơ sở phải dừng hoạt động. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 và tỉ lệ tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên còn thấp” – bà Trần Lưu Hoa thông tin.
Bên cạnh các giải pháp quản lý cơ sở giáo dục mầm non độc lập đã được TP Hà Nội thực hiện trong thời gian qua, bà Trần Lưu Hoa kiến nghị Bộ GD&ĐT cần bổ sung quy trình, thủ tục chuyển đổi chủ nhóm trẻ, chuyển đổi địa điểm tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Đồng thời, tiếp tục có giải pháp để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên mầm non, bởi hiện nay giáo viên mầm non khó khăn về mọi mặt nên thu hút vào ngành rất khó.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết: Toàn tỉnh có 438 trường mầm non, trường mẫu giáo (118 trường công lập, 320 trường tư thục), 628 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục và 131 cơ sở nhóm trẻ có quy mô dưới 7 trẻ. Tổng số trẻ là 122.579 trẻ/4.721 nhóm-lớp.
Mặc dù tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên mầm non như giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng; tuy nhiên mức hỗ trợ và lương chi trả chưa đáp ứng được thù lao, công sức và sự vất vả của giáo viên nên việc thu hút nguồn nhân lực đầu vào đối với giáo dục mầm non gặp nhiều khó khăn.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương kiến nghị: Nhà nước tiếp tục nghiên cứu cải tiến chế độ làm việc, chính sách tiền lương cho đội ngũ giáo dục mầm non nhằm thu hút, khuyến khích học sinh học ngành sư phạm mầm non và thu hút nguồn nhân lực vào làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các chế độ chính sách hỗ trợ trẻ là con công nhân, người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp nhỏ lẻ,… (ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp); có chế độ chính sách đối với con công nhân học trong các trường mầm non công lập.
Ngoài ra, nhiều đơn vị nêu đề xuất như: Bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên hàng năm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, không thực hiện cắt giảm biên chế theo tỉ lệ chung; có chính sách cử tuyển đào tạo giáo viên mầm non đối với con em người dân tộc thiểu số địa phương…
Cần điều chỉnh chính sách ở tầm vĩ mô
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, trong quá trình ứng phó với dịch Covid-19, giáo dục mầm non chịu nhiều thách thức, tác động nhất về cả cơ sở, giáo viên, học sinh, chất lượng. Số giáo viên bỏ việc, chuyển việc nhiều nhất là ở mầm non.
Bên cạnh nhiều khởi sắc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vẫn cho rằng, thách thức vẫn còn nguyên với giáo dục mầm non. Nhắc đến giáo dục mầm non là có từ "thiếu", gồm: Thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, thiếu cơ sở vật chất, thiếu nhiều thứ… Nguyên nhân của tình trạng thiếu trên, theo Bộ trưởng “có lẽ là thiếu vĩ mô, thiếu sự quan tâm đầy đủ ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương".
Chính bởi vậy, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định: Cần thống nhất điều chỉnh về tư tưởng đối với giáo dục mầm non trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Những người làm giáo dục mầm non cần kiến nghị nhiều hơn nữa, tham mưu nhiều hơn nữa để khối giáo dục mầm non được quan tâm hơn.
“Với Bộ GD&ĐT, thời gian tới cần đẩy mạnh chỉ đạo, quan tâm tới sự phát triển của giáo dục mầm non trên mọi phương diện…. Đó là trọng tâm trong điều chỉnh chính sách ở tầm vĩ mô… Chúng ra đã có nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục mầm non rồi nhưng phải cả xã hội cùng nhận thức”, Bộ trưởng nêu rõ.
Thực tế hiện nay cho thấy, mầm non là bậc học có tỷ lệ kiên cố trường lớp thấp nhất, đời sống giáo viên thấp nhất nhưng lại có tỉ lệ xã hội hóa nhiều nhất.
“Không thể dùng xã hội hóa để thay cho nhà nước đầu tư đối với bậc học mầm non. Cần phải cả hai để tăng cường phát triển giáo dục mầm non mới là sự quan tâm đúng”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời nêu rõ: "Tự chúng ta phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc việc này. Thời gian tới cần tăng cường chính sách, tăng cường đầu tư nguồn lực, kiến nghị mạnh mẽ hơn nữa cho bậc học mầm non".
Liên quan đến chương trình giáo dục mầm non mới chuẩn bị bắt tay thí điểm, Bộ trưởng cho rằng cần chuẩn bị các nguồn lực, thông suốt từ xã hội, chia sẻ từ phụ huynh, thử nghiệm, nhân rộng, rút kinh nghiệm thận trọng; cần chuẩn bị về chính sách, điều kiện triển khai đủ về nguồn lực, đội ngũ, các phương diện và sự quan tâm của toàn xã hội đối với giáo dục mầm non.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Bá Minh, cho biết: Trong năm qua, các điều kiện đảm bảo chất lượng ở bậc học mầm non chuyển biến tích cực. Số phòng học kiên cố tăng 1.430 phòng, phòng học tạm giảm 252 phòng; số trường chuẩn quốc gia bậc mầm non tăng 2,3%...
Công tác phát triển đội ngũ được quan tâm, đặc biệt là công tác tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn về trình độ đào tạo. Tỉ lệ giáo viên/lớp đạt 1.86; giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm 87.3%; trên chuẩn đạt 65.1%...
Tỉ lệ huy động trẻ trong năm tăng ấn tượng: Nhà trẻ đặt 32,1%, tăng 3,8%; mẫu giáo đạt 93,1%, tăng 3,7%...
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được được nhiều kết quả quan trọng, song giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Việc đảm bảo các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường lớp để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Công tác quy hoạch, đầu tư tại nhiều địa phương chưa theo kịp nhu cầu phát triển và nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân; còn có sự chênh lệch về cơ hội tiếp cận giáo dục và điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non giữa các địa phương và giữa các đối tượng...