Tăng cường phối hợp về khoa học công nghệ

Công tác phối hợp về KH-CN giữa các đơn vị cần được tăng cường. Trong ảnh: Các đoàn viên, thanh niên tham quan mô hình trồng nấm công nghệ cao. Ảnh: LỆ VĂN

Để đẩy mạnh công tác ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa nhanh kết quả nghiên cứu và tiếp nhận công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất, góp phần khẳng định vị thế của KH-CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong phát triển kinh tế - xã hội... rất cần sự phối hợp liên ngành giữa các sở: KH-CN, Công thương và NN-PTNT, nhằm phát huy thế mạnh của từng đơn vị.

Chưa phát huy hết lợi thế của các đơn vị

Trong những năm qua, việc đẩy mạnh ứng dụng KH-CN trong nông nghiệp, công nghiệp là nền tảng và là động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền nông nghiệp và công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại và chưa phát huy hết lợi thế trong công tác phối hợp giữa các sở KH-CN, Công thương và NN-PTNT.

Theo đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đến nay vẫn chưa có chương trình, đề án, nghiên cứu KH-CN trọng điểm dài hạn đối với một số đối tượng chủ lực của ngành để tạo ra sản phẩm cuối cùng là các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, sản phẩm công nghiệp chủ lực có năng suất, chất lượng cao và có tác động rõ rệt đến kinh tế - xã hội địa phương. Trong khi đó, việc đặt hàng của các doanh nghiệp hoặc trực tiếp từ các nhà sản xuất còn ít; những nhiệm vụ KH-CN do thực tiễn hoặc người sản xuất đặt ra thì các đơn vị nghiên cứu trong ngành chưa đủ điều kiện hoặc năng lực thực hiện. Đặc biệt, sự gắn kết giữa công tác nghiên cứu và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, mối liên kết trong nghiên cứu và chuyển giao kết quả giữa các đơn vị công lập và các doanh nghiệp còn ít, quy mô nhỏ lẻ. Bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế và bất cập về chính sách khuyến khích, hỗ trợ để các doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ hơn với các đơn vị KH-CN công lập, để các nghiên cứu tiếp cận với điều kiện thực tiễn của sản xuất, cũng như hỗ trợ về mặt nguồn lực và tiếp nhận đưa kết quả nghiên cứu KH-CN vào sản xuất hiệu quả hơn.

“Là tỉnh có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp, nhưng đến nay chỉ mới có 9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực và một số sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao. Vì vậy cần phải có các sản phẩm chủ lực và lợi thế mang tính đặc thù của địa phương, có tính cạnh tranh, có giá trị khác biệt so với các sản phẩm tương tự ở nơi khác. Do đó rất cần sự phối hợp giữa các sở để đẩy mạnh ứng dụng KH-CN và ĐMST để hỗ trợ sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị, tạo ra hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và yêu cầu bức thiết hiện nay”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ nhấn mạnh.

Đẩy mạnh công tác phối hợp về KH-CN

Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN để phát huy lợi thế của các đơn vị cần phải đẩy mạnh công tác phối hợp trong hoạt động KH-CN và ĐMST. Điều này không chỉ huy động nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, giải quyết những vấn đề then chốt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn thúc đẩy phát triển một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế đặc thù của địa phương thông qua các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển các sản phẩm bền vững và đáp ứng yêu cầu thị trường. Nhất là đẩy mạnh công tác ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa nhanh kết quả nghiên cứu và tiếp nhận công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất, góp phần khẳng định vị thế của KH-CN và ĐMST vào phát triển kinh tế - xã hội.

Còn theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, trong thời gian đến cần phải xây dựng chuỗi giá trị một số cây trồng, vật nuôi từ khâu giống, nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản và chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm OCOP. Tăng cường đầu tư tiềm lực KH-CN cho các đơn vị thuộc các sở NN-PTNT, Công thương và KH-CN. Mặt khác cần hỗ trợ cùng doanh nghiệp hình thành điểm kết nối cung cầu, phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới chuyển giao công nghệ; hỗ trợ phát triển thị trường KH-CN, hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST.

Đồng chí Đào Mỹ đề nghị, trong thời gian đến, căn cứ nội dung phối hợp và tình hình thực tiễn, các sở KH-CN, NN-PTNT, Công thương cần xây dựng các nhiệm vụ KH-CN và ĐMST hàng năm. Đồng thời yêu cầu các sở tăng cường hợp tác, phối hợp triển khai đồng bộ các khâu theo chuỗi giá trị để phát triển một số đối tượng sản phẩm, hàng hóa có nhiều lợi thế và tiềm năng tạo ra các sản phẩm mới có sức cạnh tranh, giá trị cao như: Tôm hùm, cá ngừ đại dương… Trong đó ưu tiên triển khai thí điểm các mô hình hợp tác lấy KH-CN làm hình mẫu để phát triển sản phẩm hàng hóa tạo ra giá trị gia tăng khác biệt so với sản phẩm hiện nay ở địa phương, cũng như tạo ra một sản phẩm đặc trưng cho Phú Yên….

Nội dung trọng tâm chương trình phối hợp giữa các sở: KH-CN, Công thương, NN-PTNT

Trong giai đoạn 2022-2025, các sở KH-CN, NN-PTNT, Công thương tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp trong hoạt động KH-CN và ĐMST, tập trung vào 5 nội dung chính.

Trọng tâm là tiếp tục khai thác, huy động tối đa các nguồn lực để đẩy mạnh, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng theo hướng tiếp nhận, ứng dụng các thành tựu KH-CN tiên tiến, áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đời sống, phát triển các sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường đầu tư tiềm lực KH-CN và hỗ trợ phát triển thị trường KH-CN, hệ sinh thái khởi nghiệp; các sở KH-CN, NN-PTNT, Công thương tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, hình thành không gian ĐMST và chuyển đổi số, là nơi giao dịch giữa cung - cầu công nghệ cho tỉnh để sẵn sàng tiếp nhận, chuyển giao giữa các viện, trường, doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị trên cơ sở hạ tầng, vật chất các đơn vị sự nghiệp hiện có để phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, khởi nghiệp ĐMST, cũng như phát triển thị trường KH-CN chủ động tiếp cận thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/273135/tang-cuong-phoi-hop-ve-khoa-hoc-cong-nghe.html