Tăng cường phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm (DBTN) trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Chủ động theo dõi, giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát kịp thời, hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm.

Chủ động theo dõi, giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát kịp thời, hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm.

Với mục tiêu giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các DBTN, hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát và chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, thực hiện các chỉ tiêu chung về chuyên môn, kỹ thuật như: Duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt ≥ 90% quy mô cấp xã; 100% ca bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời; 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh theo quy định, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập và lây lan.

Đối với các bệnh truyền nhiễm Ebola, MERS-CoV, cúm A (H7N9), cúm A(H5N8), hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập, lây lan; 100% ổ dịch các bệnh cúm A(H5N1, H5N6 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác được phát hiện, xử lý kịp thời, không để bùng phát trong cộng đồng, cơ sở y tế; đối với các bệnh ho gà, bạch hầu, viêm não Nhật Bản B và các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng, giảm 5% so với trung bình giai đoạn 2016 - 2020.

Giao Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về công tác phòng, chống DBTN. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện và đáp ứng với bệnh, DBTN; chủ động theo dõi, giám sát tại cửa khẩu biên giới, tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế; phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch, không để lây lan rộng, bùng phát kéo dài tại cộng đồng. Duy trì công tác tiêm chủng phòng bệnh đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.

Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

Củng cố, kiện toàn và tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các lực lượng phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Chỉ đạo các đơn vị y tế đảm bảo thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Phối hợp triển khai công tác phòng, chống DBTN trên người, bệnh lây truyền từ động vật sang người; giám sát chặt chẽ các đối tượng phải kiểm dịch tại các cửa khẩu. Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống DBTN và công tác tiêm chủng vắc xin.

Tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống DBTN của các đơn vị tại địa phương; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng, chống DBTN và việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống DBTN, tiêm chủng.

P.V

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tang-cuong-phong-chong-dich-benh-truyen-nhiem-tren-dia-ban-tinh-3167911.html