Tăng cường phòng, chống ngộ độc nấm rừng

Nấm rừng và các loại rau rừng không rõ về nguồn gốc, có nguy cơ có độc, nguy hiểm đến tính mạng khi ăn phải. Mặc dù đã được truyền thông, tuy nhiên vừa qua, trên địa bàn huyện Xín Mần đã xảy ra một vụ ngộ độc nấm đau lòng, khiến cho 3/5 người trong một gia đình tử vong.

Sự việc đáng tiếc

Ngành chức năng và chính quyền địa phương ở Xín Mần tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống ngộ độc nấm rừng cho người dân.

Ngành chức năng và chính quyền địa phương ở Xín Mần tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống ngộ độc nấm rừng cho người dân.

Người dân thôn Nàn Hái, xã Chí Cà (Xín Mần) vẫn chưa hết bàng hoàng và tiếc thương khi 3 người trong một gia đình đã tử vong do ăn phải nấm độc cách đây gần 1 tháng. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Xín Mần, ngày 7.7, ông Lùng Dìn Tiến (sinh năm 1990), trú tại thôn Nàn Hái xào nấm do vợ hái từ rừng gần nhà. Bữa ăn hôm đó chỉ có một mình ông Tiến ở nhà. Sau khi ăn cơm đến 8h ngày 8.7 ông Tiến đi chợ Cửa khẩu mốc 5 tại xã Xín Mần thấy xuất hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn nhiều lần ra thức ăn, kèm theo đau bụng quanh rốn, tiêu chảy nhiều lần, được người dân đưa đến Trạm Y tế xã Xín Mần khám, điều trị. Vào khoảng 9h ngày 8.7, bà Bàn Thị Ngọc (vợ ông Tiến) xào lại nấm còn thừa nấu cho chị gái Lùng Thị Ỉnh và con gái Lùng Thị Hoa ăn bữa trưa. Đến sáng ngày 9.7, cả 3 người xuất hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn nhiều lần ra thức ăn, đau bụng và tiêu chảy nhiều lần, người mệt mỏi được gia đình đưa đến Trạm Y tế xã Xín Mần khám và điều trị, sau đó được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa huyện Xín Mần.

Vụ việc được các ngành chức năng xác định là ngộ độc nấm rừng đã khiến cho bệnh nhi Lùng Thị Hoa (5 tuổi) tử vong trên đường chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). 3 bệnh nhân Lùng Dìn Tiến, Lùng Thị Ỉnh, Bàn Thị Ngọc chuyển tuyến điều trị tại Trung tâm chống độc tại Bệnh viện Bạch Mai. Đến 19.7, do tình trạng bệnh quá nặng bệnh nhân Lùng Thị Ỉnh đã tử vong sau 8 ngày điều trị. Lùng Dìn Tiến cũng tử vong vào tối cùng ngày. Chủ tịch UBND xã Chí Cà, Lù Văn Tinh cho biết: Từ trước đến nay, trên địa bàn xã chưa xảy ra ngộ độc do nấm rừng. Đây là sự việc hết sức đau lòng và đáng tiếc xảy ra ở thôn Nàn Hái. Thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng sinh sống. Sau khi nhận được thông tin, xã đã phân công cán bộ xuống trực tiếp để hỗ trợ gia đình đưa các nạn nhân đi cấp cứu và đón các nạn nhân trở về địa phương.

Đa hạng hình thức tuyên truyền

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Vương Thanh Nguyên, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Xín Mần cho biết: Sau khi nhận được thông tin vụ ngộ độc, Trung tâm đã thành lập đoàn kiểm tra xuống xác minh và lấy mẫu để gửi đi xét nghiệm. Kết quả phân tích từ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) kết luận 4 mẫu nấm rừng thu thập được trong bữa ăn của các nạn nhân đều phát hiện thành phần Psilocin, phalloidin, phallacidin và chứa độc tố amanitin, gây độc trực tiếp với vật liệu di truyền của tế bào, ngăn cản tổng hợp protein. Độc tố thường gây chết người do viêm gan nhiễm độc phá hủy tế bào gan, suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan, trường hợp nặng có thể tổn thương tất cả các cơ quan.

Khi người dân không may ăn phải nấm độc, các biểu hiện xuất hiện muộn sau khi ăn từ 6 - 40 giờ (thường là 12 - 18 giờ) theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 với biểu hiện ở dạ dày, ruột: Bệnh nhân buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 1 - 2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít hoặc vô niệu. Sau đó, ngộ độc chuyển sang giai đoạn 2, các biểu hiện âm thầm, biểu hiện tiêu hóa hết hoặc giảm hẳn, bệnh nhân và thầy thuốc dễ hiểu nhầm là bệnh đã khỏi. Nhưng sau khi trải qua thêm 1 - 2 ngày ở giai đoạn này sẽ chuyển sang giai đoạn 3 với biểu hiện tổn thương và suy các tạng như vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, dần dần người bệnh sẽ mê sảng rồi hôn mê sâu (hôn mê gan do suy gan), xuất huyết nhiều nơi, suy đa tạng và cuối cùng là tử vong. Một vấn đề nguy hiểm nữa là do biểu hiện ngộ độc luôn xuất hiện rất muộn, quá 6 giờ sau khi ăn, tức là khi nấm độc đã qua dạ dày xuống sâu tận ruột non và độc tố đang được hấp thu. Khi đó, dù bệnh nhân có nôn, bác sĩ có rửa dạ dày thì cũng không có tác dụng.

Mẫu nấm xét nghiệm có chứa độc tố được thu thập tại vụ ngộ độc ở thôn Nàn Hái, xã Chí Cà.

Mẫu nấm xét nghiệm có chứa độc tố được thu thập tại vụ ngộ độc ở thôn Nàn Hái, xã Chí Cà.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ ngộ độc nấm rừng là do người dân chủ quan, không tuân thủ nghiêm quy định an toàn thực phẩm bất chấp hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra cho sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình. Đặc biệt, tình trạng người dân thu hái sử dụng nấm rừng, cây rau rừng có chứa độc tố tự nhiên vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Do đó, UBND huyện Xín Mần đã ban hành Chỉ thị số 03 ngày 20.7 về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc do độc tố tự nhiên trên địa bàn huyện. Chỉ đạo các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các xã, thị trấn tăng cường tổ chức các buổi tuyên truyền gián tiếp thông qua loa, Đài phát thanh tại các chợ phiên và truyền thông trực tiếp đến tận thôn, bản. Trung tâm Y tế huyện phối hợp các xã, thị trấn thực hiện ký cam kết không ăn nấm rừng, quả lạ và rau rừng không rõ nguồn gốc đến từng thôn, bản, từng hộ dân. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc, phát tờ rơi, hình ảnh về tác hại của các loại thực phẩm chứa độc tố tự nhiên cho người dân hiểu và phòng, tránh.

Ngành Y tế huyện cũng khuyến cáo người dân, độc tố có trong một số loại nấm mọc tự nhiên rất nguy hiểm vì gây tổn thương tế bào cơ thể, đặc biệt là tế bào gan, thận dẫn đến tình trạng suy đa tạng và tử vong. Bên cạnh đó, rất khó phân biệt giữa nấm độc và nấm thường về màu sắc, mùi vị. Vì vậy, người dân không nên sử dụng nấm mọc tự nhiên làm thức ăn. Khi không may ngộ độc nấm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Bài, ảnh: VĂN LONG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202308/tang-cuong-phong-chong-ngo-doc-nam-rung-dd738a8/