Tăng cường phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Những năm qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp với chiều hướng tăng cả số vụ, tính chất, mức độ và hậu quả; xảy ra ở cả hình thức lừa đảo truyền thống và thông qua mạng viễn thông, internet, gây thiệt hại lớn về tài sản, bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự (ANTT) và đời sống Nhân dân. Trước tình hình đó, thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động LĐCĐTS, tỉnh đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, góp phần đảm bảo ANTT.
Ngày 2/8/2022, chị Lê Phương L kết bạn qua facebook với tài khoản Johnson Alexandre. Sau khi nhắn tin qua ứng dụng messenger, tài khoản có tên trên nhờ chị L nhận giữ hộ tài sản gửi từ nước ngoài về. Sau đó, chị L nhận được cuộc gọi từ một người xưng là nhân viên sân bay yêu cầu phải đóng thuế để chuyển hàng. Chị đã chuyển tổng số tiền trên 196 triệu đồng đến chủ tài khoản Huỳnh Võ Hoài Nam. Sau khi chuyển tiền, chị không nhận được hàng. Nghi ngờ các hóa đơn, giấy tờ là giả và mất liên lạc với những người có liên quan, chị L mới biết bị LĐCĐTS và đã đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lạc Sơn tố giác.
Nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tội phạm, thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương quan tâm tuyên truyền, phổ biến về Chỉ thị số 21/CT-TTg cho cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và Nhân dân. Công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức. Trong 3 năm (từ 25/5/2020 - 24/5/2023), toàn tỉnh đã tổ chức trên 480 buổi tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống tội phạm LĐCĐTS với gần 30.000 lượt người tham gia; đăng trên 290 tin, bài, phóng sự về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm LĐCĐTS và kết quả đấu tranh của lực lượng chức năng... Thiết lập đường dây nóng đặt tại phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh liên quan đến tội phạm LĐCĐTS. Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng ngừa tại cộng đồng. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cho người dân, góp phần phòng ngừa tội phạm LĐCĐTS.
Trong 3 năm qua, trên địa bàn tỉnh phát hiện 244 vụ LĐCĐTS, thiệt hại trên 193 tỷ đồng. Số vụ LĐCĐTS có xu hướng gia tăng. Trong đó, đã khởi tố điều tra 127 vụ, 51 bị can; ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự 16 vụ; tạm đình chỉ giải quyết 75 vụ; đang giải quyết 24 vụ; phục hồi giải quyết 2 vụ. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Tuy nhiên, công tác đấu tranh với tội phạm LĐCĐTS qua không gian mạng còn hạn chế. Đại tá Trương Quang Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Thời gian tới, dự báo các vụ LĐCĐTS, nhất là thông qua mạng internet, viễn thông, internet còn diễn biến phức tạp với nhiều hình thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Do đó, các địa phương, ban, ngành cần tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 21/CT-TTg. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, đấu tranh. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân. Lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý tội phạm LĐCĐTS. Nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tập trung xác minh, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với tội phạm LĐCĐTS và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ANTT. Xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm LĐCĐTS nói riêng.