Tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn hoạt động tại các bể bơi

Mùa hè nắng nóng, mọi người đặc biệt là trẻ em thường tìm đến các bể bơi, coi đó như một cách giải nhiệt, vừa giải trí, vừa rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, do số lượng bể bơi còn hạn chế, trong khi số lượng người có nhu cầu bơi đông và tập trung ở một thời gian nhất định trong ngày nên hầu hết các bể bơi luôn trong tình trạng quá tải, dẫn đến chất lượng nguồn nước tại một số bể bơi không bảo đảm, ẩn chứa nhiều tác hại đối với sức khỏe con người.

Bể bơi Trung tâm văn hóa thể thao huyện Kim Bảng vào các buổi chiều mùa hè luôn đông đúc người, trong đó phần lớn là trẻ em. Đang chờ con trai tập bơi, chị Khổng Hà Anh (xã Đồng Hóa) chia sẻ: Gia đình tôi tin tưởng chọn bể bơi này vì bể bơi rất sạch, có giáo viên, nhân viên giám sát thay phiên nhau trực nên tôi rất yên tâm. Hơn nữa, tôi đã đăng ký cho cháu tham gia học lớp bơi cơ bản để cháu rèn luyện thể chất, tăng trưởng chiều cao và quan trọng là trang bị cho cháu những kỹ năng để bảo vệ bản thân, phòng, chống tai nạn đuối nước.

Bể bơi Trung tâm văn hóa thể thao huyện Kim Bảng do UBND huyện đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2020 (nay giao cho Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao huyện quản lý, khai thác) được thiết kế xây dựng khá hiện đại, đúng tiêu chuẩn, với 2 bể có kích thước phù hợp dành cho các độ tuổi (1 bể bơi người lớn, 1 bể bơi trẻ em) và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động. Toàn bộ bể bơi có mái che hiện đại, hệ thống và công nghệ xử lý nước theo tiêu chuẩn châu Âu. Bể bơi cũng được đầu tư hệ thống áo phao, phao bơi, phòng tắm tráng, khu nhà chờ... Cùng với đó, đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế đều có chứng chỉ, bằng cấp theo quy định.

Bể bơi Trung tâm văn hóa thể thao huyện Kim Bảng hằng ngày thu hút đông trẻ em đến học bơi.

Bể bơi Trung tâm văn hóa thể thao huyện Kim Bảng hằng ngày thu hút đông trẻ em đến học bơi.

Bể bơi Tân Thủy 2 (phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý) được cấp phép hoạt động và có thiết kế khá hiện đại, được đầu tư bài bản, đúng quy chuẩn với 2 ngăn dành cho các lứa tuổi khác nhau (một ngăn có độ sâu 0,6-0,8m dành cho trẻ em; 1 ngăn sâu 1,2 -1,6m dành cho người lớn) với tổng diện tích trên 500m2. Toàn bộ bể có mái che hiện đại, hệ thống và công nghệ xử lý nước theo đúng tiêu chuẩn quy định.

Anh Nguyễn Hữu Toàn, nhân viên quản lý, điều hành bể bơi Tân Thủy 2 cho biết: Xác định bảo đảm an toàn là yêu cầu quan trọng hàng đầu nên bể bơi luôn thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn, phòng, chống đuối nước khi duy trì hoạt động. Tại bể bơi luôn có từ 2-3 nhân viên cứu hộ kiêm giáo viên dạy bơi túc trực thường xuyên (tùy lượng khách ở từng thời điểm); xung quanh bể bơi có biển cảnh báo sàn trơn trượt, cột quy định độ sâu của mực nước, phao cứu hộ và hệ thống biển bảng hướng dẫn sơ cứu, cấp cứu. Đối với nguồn nước luôn bảo đảm sạch sẽ, máy hút vệ sinh đáy cùng hệ thống lọc nước tuần hoàn hoạt động liên tục. Khi thấy nước có dấu hiệu không bảo đảm, chúng tôi tiến hành thay nước, vệ sinh bể.

Theo thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, hiện trên địa bàn tỉnh ta có 72 bể bơi (16 bể bơi cố định, 55 bể bơi di động, 1 bể bơi nằm trong khách sạn), tập trung chủ yếu ở thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên, huyện Lý Nhân. Một số bể bơi trong số này thuộc các trung tâm thể dục thể thao quản lý, tuy nhiên phần lớn hoạt động theo hình thức xã hội hóa, do tư nhân đầu tư, quản lý, vận hành. Số còn lại do một số tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và kinh doanh tại hộ gia đình, cơ sở giáo dục...

Qua tìm hiểu thực tế tại một số địa phương cho thấy, việc xã hội hóa trong phát triển bể bơi do một số tổ chức, cá nhân làm chủ là chủ trương đúng đắn, phù hợp với nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế tại một số địa phương cho thấy, hiện còn không ít bể bơi do chạy theo doanh thu, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế và chưa đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị hệ thống lọc tuần hoàn, khiến nguồn nước thường không bảo đảm an toàn. Một số bể bơi chưa thực hiện đúng quy trình thay nước, cọ rửa bể, khử trùng theo quy định.

Đáng ngại hơn, nhiều bể bơi chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động theo mùa vụ để thu lợi nhuận. Đặc biệt, tại một số bể bơi, nhất là bể bơi di động được đặt tại các hộ gia đình, cơ sở giáo dục ở vùng nông thôn, việc thay nước không được các chủ bể bơi chấp hành theo đúng quy định, chỉ thực hiện công nghệ xử lý nước bằng hệ thống nước lọc tuần hoàn và cấp bù mỗi ngày, dẫn đến chất lượng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh, ẩn chứa nhiều tác hại đối với sức khỏe con người. Không ít bể bơi, chủ kinh doanh bể bơi còn dùng quá nhiều hóa chất và sục khí Clo để làm sạch nước, thay vì phải thay nước và sử dụng lượng hóa chất theo đúng quy định.

Qua trò chuyện, một số chủ bể bơi cho rằng, việc thay nước vừa tốn kinh phí, lại phải đóng cửa mất vài ngày để xử lý. Đặc biệt, từ năm 2023, khi giá nước sạch tăng cao (tính theo lũy tiến), dẫn tới nhiều chủ bể bơi đã bỏ qua việc thay thế nước theo quy định mà chỉ xử lý nước bằng hệ thống nước lọc tuần hoàn và cấp bù mỗi ngày. Việc làm này của các chủ bể bơi đã vi phạm quy định theo Thông tư 14/2014 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2012 quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn).

Theo đó, nước bể bơi phải đáp ứng yêu cầu giới hạn các chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt áp dụng đối với các hình thức khai thác nước của cá nhân, hộ gia đình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt. Điều đáng ngại hơn, theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc ô nhiễm nguồn nước tại bể bơi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mắc các bệnh về da. Nguồn bệnh này phát tán mầm bệnh qua môi trường nước sẽ gây nhiều nguy cơ phát tán các bệnh truyền nhiễm gây hại sức khỏe như các bệnh da liễu, bệnh về mắt, tai, mũi, họng, nhất là bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa...

Để bảo đảm an toàn tại các bể bơi trong dịp hè, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của chủ kinh doanh bể bơi; từ đó bố trí đầy đủ nhân lực cứu hộ; trang bị vật dụng, phương tiện bảo hộ theo quy định; nguồn nước phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Mặt khác, tăng cường các hình thức kiểm tra, nhất là kiểm tra đột xuất, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Với các gia đình, cần giám sát chặt chẽ, quan tâm giáo dục và trang bị kỹ năng bảo đảm an toàn cần thiết cho trẻ khi tham gia hoạt động tại các bể bơi dịch vụ.

Trần Ích

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/doi-song/tang-cuong-quan-ly-bao-dam-an-toan-hoat-dong-tai-cac-be-boi-128921.html