Tăng cường quản lý, bảo vệ và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều
Ngày 13/6, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2022.
Tham dự hội nghị có gần 500 đại biểu đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo của 21 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi, phòng, chống thiên tai của các tỉnh, thành phố có đê, các Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kinh tế của 156 huyện có đê.
Báo cáo của Tổng cục Phòng, chống thiên tai nêu rõ: Hệ thống đê điều của nước ta được xây dựng qua nhiều năm, góp phần quan trọng trong việc ngăn lũ, chống bão, bảo vệ tài sản, tính mạng và phát triển kinh tế xã hội bền vững. Tuy nhiên hiện nay, hơn 2.700km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn 242 trọng điểm xung yếu và hơn 7.600 vụ vi phạm pháp luật về đê điều chưa được xử lý. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2022, thiên tai tại nước ta diễn biến bất thường xảy ra ngập lụt tại nhiều địa phương và dự báo năm 2022 tình hình mưa lũ sẽ rất phức tạp và khó lường.
Mặc dù các địa phương trong cả nước đã chủ động triển khai ứng phó và các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát rủi ro với thiên tai, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ… nhưng thực tế cho thấy vẫn còn những tồn tại và hạn chế như: Phương án ứng phó với một số loại hình thiên tai chưa sát với thực tế; một số văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng còn lúng túng, chưa mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống thiên tai.
Hội nghị cũng được nghe những ý kiến tham luận sâu sắc của các địa phương về bài học kinh nghiệm, thực trạng và kiến nghị giải pháp về xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Nhất là việc cần phải đẩy mạnh phong trào thi đua “xây dựng đê kiểu mẫu”. Công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ, công tác quản lý bãi sông, quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông và bến bãi, đánh giá hiện trạng đê điều và các phương án sẵn sàng hộ đê theo phương châm “4 tại chỗ”. Nhiều ý kiến tham luận tại hội nghị đã làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong công tác phòng, chống thiên tai, quản lý đê điều, hộ đê, xử lý vi phạm về công tác quản lý, chuẩn bị ứng phó, chỉ đạo huy động vật tư, nhân lực hộ đê, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
Thông qua hội nghị này nhằm mục đích tăng cường tính chủ động, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và hộ đê, phòng lụt đối với các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và đơn vị tham mưu cấp huyện thuộc 21 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.