Tăng cường quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở
Hiện nay, các bệnh không lây nhiễm (BKLN) như: tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, rối loạn tâm thần... có xu hướng ngày càng gia tăng. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người bệnh và là gánh nặng về kinh tế. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống các BKLN, ngành y tế đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, làm tốt công tác dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị các BKLN tại cơ sở.
Cán bộ Trạm Y tế xã Hóa Quỳ (Như Xuân) đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe cho người dân.
Theo các chuyên gia y tế, hầu hết các BKLN phải dùng thuốc suốt đời. Vì vậy, việc triển khai công tác quản lý và điều trị các BKLN ngay tại trạm y tế xã là hiệu quả nhất, vì không chỉ giúp người bệnh kiểm soát tốt bệnh lý mà còn giảm chi phí đi lại do không phải đi xa, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên... Tuy nhiên, điều đáng nói, BKLN có biểu hiện và triệu chứng bệnh âm thầm, dai dẳng, không đau đớn cấp tính nên nhiều người dân chủ quan. Phần lớn người mắc các BKLN được phát hiện khi biểu hiện bệnh quá nặng. Điều này gây khó khăn cho công tác điều trị cũng như phục hồi.
Để giúp người dân kịp thời phát hiện BKLN trong cộng đồng, những năm qua, ngành y tế đã triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 376/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các BKLN giai đoạn 2015-2025; củng cố, tăng cường hệ thống giám sát, phòng chống BKLN các tuyến, nhất là tại các trạm y tế. Sở Y tế đã xây dựng, triển khai kế hoạch phòng chống BKLN trên địa bàn tỉnh; giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm đầu mối phối hợp với các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai hoạt động phòng chống BKLN toàn tỉnh. Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố củng cố mạng lưới quản lý BKLN; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các trạm y tế về thực hiện nhiệm vụ dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị BKLN. Nhằm nâng cao năng lực phòng chống BKLN cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn, Sở Y tế đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế xã; mở lớp bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật xét nghiệm, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác điều trị, quản lý BKLN.
Theo đó, triển khai chương trình phòng chống BKLN, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức các đợt khám sàng lọc ở các xã trên địa bàn tỉnh. Chú trọng vào một số xã có điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá đi lại khó khăn, xa cơ sở y tế; tổ chức quản lý, điều trị cho người mắc BKLN; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng, chống BKLN trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách của trung tâm y tế, trạm y tế về hướng dẫn dự phòng, chẩn đoán, điều trị và quản lý BKLN; hướng dẫn triển khai sinh hoạt câu lạc bộ tăng huyết áp; hướng dẫn xây dựng kế hoạch hoạt động phòng chống BKLN; hướng dẫn thống kê báo cáo các căn bệnh này và tổ chức các đợt giám sát, chỉ đạo tuyến để hỗ trợ về chuyên môn. Hàng năm, Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa đã tổ chức các đợt khám sàng lọc BKLN cho các xã, phường, thị trấn. Còn tại các trạm y tế, để phát hiện BKLN, trong hoạt động khám, chữa bệnh hàng ngày, trạm y tế kết hợp tổ chức khám sàng lọc, nếu nghi ngờ dấu hiệu mắc các bệnh, như: đái tháo đường, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính... sẽ giới thiệu lên tuyến trên để chẩn đoán xác định và có hướng dẫn điều trị bệnh phù hợp.
Theo số liệu thống kê của Khoa Phòng chống BKLN, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có khoảng 130 ngàn bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Số thực tế được phát hiện thông qua các hoạt động tầm soát bệnh tại các bệnh viện và cộng đồng còn hạn chế. Hiện bệnh nhân mắc đái tháo đường đang được quản lý, tư vấn và cấp thuốc điều trị chiếm tỷ lệ hơn 90%; tổng số bệnh nhân tăng huyết áp đang được quản lý, khám và cấp thuốc điều trị chiếm tỷ lệ hơn 82%. Trong đó, số bệnh nhân được quản lý tại trạm y tế rất thấp so với số lượt người trong tỉnh được phát hiện bệnh. Nguyên nhân là do người dân chưa hiểu rõ về tác hại cũng như cách phòng tránh BKLN; tâm lý người dân không muốn điều trị tuyến dưới, bệnh nhân tự ý mua thuốc ở ngoài tự điều trị. Thêm vào đó, nhân lực tại các trạm y tế còn thiếu (nhân lực trong việc rà soát, điều tra bổ sung đối tượng, thiếu bác sĩ chuyên khoa một số BKLN); cán bộ chuyên trách tại một số trạm chưa được tập huấn về công tác phòng chống BKLN; trang thiết bị vật tư y tế (máy đo đường huyết, test đường huyết...) chưa có đủ; thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cấp cho trạm y tế chưa đủ số lượng, chủng loại còn ít vì vậy công tác phòng chống BKLN tại trạm chủ yếu chỉ dừng ở khâu tư vấn, khám phát hiện kê đơn chưa điều trị thường xuyên cho bệnh nhân...
Với mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc các BKLN tại cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục củng cố, tăng cường năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở; đẩy mạnh việc quản lý, điều trị các BKLN, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; tăng cường hiệu quả hoạt động phòng chống BKLN theo hướng toàn diện, lồng ghép, dựa vào cộng đồng và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể. Đồng thời, tăng cường năng lực hệ thống dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các BKLN từ tỉnh đến xã, phường để cung cấp các dịch vụ toàn diện, chuyên sâu và kỹ thuật cao cho chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc BKLN.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng chống các BKLN, cần thay đổi lối sống, như: tăng cường các hoạt động thể lực, bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý; giảm tiêu thụ muối và nước ngọt; không sử dụng rượu, bia và thuốc lá... Bên cạnh đó, người bệnh và người nhà cần tìm hiểu thêm các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe của các bệnh viện; tham gia các câu lạc bộ người bệnh để được hướng dẫn cách tự phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh của cơn đau cấp để sơ cấp cứu, khám chữa kịp thời, biết tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh. Sau khi điều trị ổn định các cơn đau cấp, cần tuân thủ chế độ theo dõi, tập luyện, chế độ dinh dưỡng. Thêm vào đó, cần tầm soát sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện, can thiệp sớm các BKLN.