Tăng cường quản lý hiệu quả hòa bình và ổn định ở Biển Đông

Các nhà lãnh đạo cấp cao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tái khẳng định, trong bối cảnh Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) càng phải được thực hiện nghiêm túc hơn. Điều này cũng tạo thuận lợi cho nỗ lực đẩy nhanh đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Các đại biểu tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc lần thứ 20 về thực hiện DOC. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc lần thứ 20 về thực hiện DOC. Ảnh: TTXVN

DOC cần được thực hiện nghiêm túc hơn nữa

Tuần qua, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam, sau gần 2 năm gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, Myanmar - nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc và Trung Quốc đồng chủ trì tổ chức Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc lần thứ 20 về thực hiện DOC (SOM DOC).

Đáng chú ý tại hội nghị, các quốc gia tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Hội nghị đánh giá cao một số kết quả tích cực trong thực hiện DOC thời gian qua, mặc dù khu vực phải chịu nhiều tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19.

Trên thực tế, nhiều hoạt động hợp tác cụ thể đã được triển khai hiệu quả, đúng kế hoạch, bao gồm hợp tác bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, đối xử nhân đạo và công bằng đối với ngư dân, tìm kiếm và cứu nạn trên biển… Đề cập đến một số diễn biến phức tạp trên Biển Đông thời gian qua, các nước chia sẻ mối quan ngại, cho rằng những yếu tố này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven Biển Đông. Đặc biệt, các đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, ASEAN và Trung Quốc càng cần thực hiện DOC nghiêm túc, hiệu quả và đầy đủ tất cả các điều khoản của DOC.

Một điểm nhấn quan trọng tại sự kiện này, các quốc gia cùng tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Đặc biệt là sự tôn trọng các nguyên tắc như thực hiện kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982.

Cùng với đó, hội nghị ghi nhận tiến triển trong đàm phán COC và trao đổi các định hướng cho tiến trình đàm phán COC do Nhóm công tác về DOC (JWG DOC) thực hiện. Ngoài ra, các quốc gia cũng nhấn mạnh rằng, cần đạt được COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS, góp phần xây dựng lòng tin, tin cậy, quản lý hiệu quả hơn các sự cố trên Biển Đông.

Trước đó, tại thị trấn Labuan Bajo của Indonesia, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Điều này được nêu cao trong Tuyên bố Chủ tịch được thông qua tại hội nghị. Theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN tái khẳng định sự cần thiết phải theo đuổi giải pháp hòa bình trong giải quyết các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982.

Cùng với đó, các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, cũng như tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin tưởng lẫn nhau, tránh các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Liên quan tới quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh nỗ lực tăng cường hợp tác song phương. Đồng thời hoan nghênh những tiến triển trong đàm phán về COC; hoan nghênh sáng kiến thúc đẩy đàm phán COC. Đặc biệt lưu ý tới đề xuất xây dựng các hướng dẫn nhằm đẩy nhanh việc sớm hoàn tất COC thực chất và hiệu quả.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đàm phán. Đồng thời tiếp tục đối thoại hòa bình giữa tất cả các bên liên quan nhằm đạt được hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực.

Tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán COC

Theo Đại sứ Vũ Hồ - Quyền Trưởng Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN Việt Nam, Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới. Vì vậy, việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này không chỉ là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN và Trung Quốc, mà còn thể hiện trách nhiệm của hai bên đối với cộng đồng quốc tế.

Quang cảnh Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo, Indonesia. Ảnh: ASEAN 42

Quang cảnh Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo, Indonesia. Ảnh: ASEAN 42

Trước thực trạng tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, các hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế vẫn tiếp diễn, Đại sứ Vũ Hồ cho rằng, các nước phải phát huy tinh thần và hành động “nói đi đôi với làm”, biến các cam kết chính trị thành các hành động cụ thể, phù hợp trên thực địa.

Đại sứ Vũ Hồ nhấn mạnh, các quy định của luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982 phải là “kim chỉ nam” cho các hoạt động trên Biển Đông. Trong khi đẩy mạnh các nỗ lực đạt được COC thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982, được cộng đồng quốc tế ủng hộ, các quốc gia cần thực hiện nghiêm túc và đầy đủ mọi điều khoản của DOC. Nỗ lực này cũng sẽ góp phần tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC.

Nói về tình hình Biển Đông trong trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, cần phải nhìn nhận vấn đề dựa trên 4 khía cạnh.

Trước hết, ông Phạm Quang Vinh cho biết, hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải là câu chuyện lợi ích chung mà các quốc gia trong và ngoài khu vực đều phải có trách nhiệm đóng góp. Tiếp đó, trật tự trên biển phải dựa trên luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982, vốn được coi là “hiến chương” của đại dương. Bởi vậy, tất cả các quốc gia phải có nghĩa vụ tuân thủ, nhất là trong khu vực Biển Đông đang tồn tại nhiều phức tạp.

Cần phải nhấn mạnh rằng, bài học của hơn 20 năm triển khai DOC cho thấy một số điều quan trọng, gồm: Xây dựng lòng tin; không để phức tạp thêm tình hình và tuân thủ luật pháp quốc tế; không sử dụng sức mạnh để áp đặt chủ quyền lên quốc gia khác; giải quyết tranh chấp bằng hòa bình; có cơ chế để xử lý những rủi ro không mong muốn xảy ra.

Mặt khác, ngoài luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982, trong khu vực cũng có rất nhiều quy tắc ứng xử mà các bên đều chấp nhận, chẳng hạn như Hiệp ước Thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC); các tuyên bố của ASEAN về vấn đề Biển Đông, trong đó có “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông” được công bố năm 2012 được các nước, không chỉ ASEAN ủng hộ; hay như DOC.

Đại sứ Phạm Quang Vinh cho hay, những điều này cho thấy nỗ lực của ASEAN cần được các nước ủng hộ, bao gồm cả các nước lớn. Việc hướng tới COC cần phải tính đến yếu tố mới này, trên cơ sở vừa kế thừa, vừa phát triển hơn nữa các nguyên tắc đã được đề ra ở DOC.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tang-cuong-quan-ly-hieu-qua-hoa-binh-va-on-dinh-o-bien-dong-post461435.html