Tăng cường quản lý khai thác tài nguyên dưới đất
Đồng Nai có trữ lượng tài nguyên dưới đất tương đối lớn. Để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này, từ năm 1998, UBND tỉnh đã ban hành quy hoạch khai thác khoáng sản.
Từ đó đến nay, nhiều quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản theo từng giai đoạn được tỉnh ban hành nhằm hạn chế khai thác trái phép, làm suy kiệt tài nguyên và gây tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm khai thác khoáng sản vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
* Đa dạng tài nguyên dưới đất
Theo báo cáo của Liên đoàn Bản đồ địa chất Miền Nam, Đồng Nai là tỉnh có nguồn khoáng sản đa dạng, trữ lượng tương đối lớn. Cụ thể, tổng trữ lượng đá xây dựng dưới lòng đất dự báo hơn 2.946 triệu m3, lớn nhất trong các tài nguyên dưới đất; đất sét khoảng 543 triệu m3; cát dưới lòng sông và hồ Trị An khoảng 19 triệu m3, cát trong lòng đất với trữ lượng hơn 80 triệu m3. Mặc dù không đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách nhưng hoạt động khai thác khoáng sản đã đáp ứng nhu cầu xây dựng hạ tầng của Đồng Nai, TP.HCM và một số tỉnh miền Tây; góp phần bình ổn giá vật liệu xây dựng khu vực.
Để khai thác và sử dụng khoáng sản hiệu quả, tỉnh đã ban hành nhiều quy hoạch, kế hoạch thăm dò, khai thác, kinh doanh khoáng sản theo từng giai đoạn; ký quy chế phối hợp quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên khoáng sản với các tỉnh giáp ranh. Hầu hết công an các địa phương cấp huyện đều thành lập tổ công tác phản ứng nhanh do đội Cảnh sát kinh tế chủ trì phối hợp với Phòng TN-MT, công an cấp phường, xã tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế khai thác lậu, làm suy kiệt tài nguyên và gây tác động xấu đến môi trường; công khai quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản cho người dân biết để giám sát. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy cũng ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý khai thác và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở TN-MT, sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng đã làm giảm đáng kể tình trạng khai thác “lậu”, “bảo kê” khai thác khoáng sản. Các khu vực “điểm nóng” về bơm hút cát trái phép trước đây như: khu vực Cù lao Tân Vạn (TP.Biên Hòa); đoạn sông Đồng Nai từ cầu Ghềnh đến cầu Ông Tiếp; sông Đồng Tranh; sông Thị Vải (H.Nhơn Trạch)... giảm đáng kể. Mặc dù vậy, tình trạng khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương.
* Tăng cường kiểm tra, xử lý khai thác khoáng sản không phép
Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng cộng 47 dự án khai thác khoáng sản còn hiệu lực; trong đó, có 46 dự án khai thác khoáng sản thuộc nhóm vật liệu xây dựng (đá xây dựng, đá ốp lát, đất xây dựng, sét gạch ngói, vật liệu san lấp, Puzơlan) và 1 dự án khai thác nước khoáng. Không có dự án khai thác làm giàu khoáng sản; dự án chế biến, tinh chế khoáng sản rắn; dự án tuyển, làm giàu đất hiếm, khoáng sản có tính phóng xạ.
Đại diện lãnh đạo Sở TN-MT cho rằng, mặc dù các sở, ban, ngành, địa phương xử lý rất quyết liệt các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, tuy nhiên, hoạt động bơm hút cát trái phép; khai thác đất, đá trên đất nông nghiệp vẫn xảy ra. Các đối tượng khai thác cát trái phép thường lợi dụng đêm khuya, khu vực giáp ranh các địa phương để thực hiện hành vi. Nhiều trường hợp xin cải tạo đất nông nghiệp để khai thác đất, đá dưới lòng đất trái phép; tận thu khoáng sản dưới ao, hồ. Sở TN-MT cho rằng, các ban, ngành, nhất là lực lượng công an, giao thông và UBND các địa phương cần giám sát chặt chẽ việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản.
Ông Ngô Đức Vượng, Phó trưởng phòng TN-MT H.Trảng Bom cho biết, trên địa bàn huyện có trường hợp người dân xin giấy phép cải tạo đất nông nghiệp nhưng thực tế khai thác đá tảng. Theo ông Vượng, việc người dân xin cải tạo đất thu hồi vật liệu trên đất nông nghiệp là cần thiết, nhưng phần lớn không có phương án cải tạo đất làm tăng màu mỡ cho đất, nâng cao hiệu quả sản xuất mà chỉ chú trọng việc san gạt, thu hồi vật liệu dôi dư. Ông Vượng kiến nghị Sở NN-PTNT, Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương thẩm định phương án cải tạo theo đề nghị của các hộ gia đình để vừa tạo thuận lợi cho canh tác nông nghiệp vừa tránh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho rằng, để kiểm soát hoạt động khai thác cát, Công an huyện đã phối hợp với Phòng TN-MT huyện thành lập 1 tổ công tác và 1 trạm kiểm soát sát bờ sông thường xuyên tuần tra, giám sát khai thác và kinh doanh bãi cát dọc sông Đồng Nai đoạn gần cầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc xã Long Tân. Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát đường thủy thuộc Công an tỉnh cũng lập 1 chốt kiểm soát ngay khu vực “điểm nóng” xã Long Tân. Tuy nhiên, do địa bàn nhiều sông, giáp ranh với TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu; các đối tượng khai thác cát manh động, cử người theo dõi, đánh chìm phương tiện khi bị phát hiện nên vẫn xảy ra khai thác cát trái phép.
Tại buổi làm việc với Sở TN-MT, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, Đồng Nai có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú nhưng nếu không quản lý khai thác hiệu quả thì vừa lãng phí vừa gây hậu họa cho môi trường. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nhiều khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai xây dựng hạ tầng, nhiều khu công nghiệp có chủ trương mở rộng quy mô. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án lớn đang và sắp triển khai như: đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây mở rộng, các đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Phan Thiết, đường vành đai 3, sân bay Long Thành; các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh cũng có nhu cầu lớn về vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng. Do đó, Sở TN-MT, UBND các địa phương phải tham mưu cấp phép thăm dò, quản lý việc khai thác hiệu quả. Sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, quan tâm bảo vệ và phục hồi môi trường sau khai thác.