Tăng cường quản lý nợ và cưỡng chế tiền nợ thuế
Từ đầu năm đến nay, Cục Thuế tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ về quản lý nợ, thu hồi và xử lý tiền thuế nợ; chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh và tổ chức thực hiện các giải pháp xử lý linh hoạt. Qua đó, góp phần kiểm soát được tình hình nợ thuế, tăng số tiền thuế của người nộp thuế (NNT) nộp vào ngân sách Nhà nước.
Cục Thuế tỉnh tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các phòng chuyên môn, các chi cục thuế thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của pháp luật thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Từ đầu năm đến nay, gửi 134.200 thông báo tiền thuế nợ gửi NNT, công khai thông tin 940 lượt NNT có tiền thuế nợ trên 90 ngày, ban hành 732 quyết định cưỡng chế tiền thuế nợ, thông báo tạm hoãn xuất cảnh 51 trường hợp. Cục Thuế thu hồi 268 tỷ đồng tiền nợ thuế, trong đó, thu nợ 21 tỷ đồng năm 2023 chuyển sang, thu nợ 247 tỷ đồng phát sinh năm 2024. Tiền thuế nợ đến ngày 30/6/2024 là 195,4 tỷ đồng, giảm 43,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng giảm 12,2%.
Tuy nhiên, tiền thuế nợ hiện tại còn ở mức cao, tăng so với cuối năm 2023. Tiền thuế nợ tập trung chủ yếu là nợ thuế, phí 93,1 tỷ đồng, nợ các khoản thu từ đất 39,2 tỷ đồng, nợ tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản 10,1 tỷ đồng, nợ tiền chậm nộp 48,6 tỷ đồng, nợ các khoản khác 4,4 tỷ đồng.
Đến ngày 30/6/2024, toàn tỉnh có 32 NNT nợ thuế trên 1 tỷ đồng, trong đó 17 NNT nợ thuế từ 2 tỷ đồng trở lên, 15 NNT nợ thuế từ 1 tỷ đến dưới 2 tỷ đồng. Một số NNT nợ thuế lớn như: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển năng lượng Đông Bắc nợ 20,3 tỷ đồng, Công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng nợ 15,3 tỷ đồng, Công ty TNHH Trường Minh nợ 9 tỷ đồng, Công ty TNHH Minh Hoàng nợ 4,8 tỷ đồng…
Nguyên nhân chủ yếu để số nợ thuế có xu hướng tăng do tình hình kinh tế vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của NNT, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, sụt giảm doanh thu, tăng chi phí... Một bộ phận NNT chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ỳ không nộp tiền thuế, nợ thuế kéo dài, đồng thời khoản tiền chậm nộp tăng. Một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã tự giải thể, không hoạt động tại địa chỉ sản xuất, kinh doanh còn nợ thuế, không làm thủ tục khai báo lại cho cơ quan thuế, thông báo nợ thuế không gửi đến được với NNT, bị trả lại, gây khó khăn cho công tác đôn đốc nộp thuế. Một số NNT không có thông tin tài khoản ngân hàng, không áp dụng được biện pháp cưỡng chế trích tài khoản; không sử dụng hóa đơn nên không áp dụng được biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn; không có thông tin tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đang thế chấp tại ngân hàng, tài sản hết giá trị khấu hao,…
Trưởng Phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế Cục Thuế tỉnh Lê Thị Nha cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế của NNT, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, ngành thuế quyết liệt thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi tiền thuế nợ, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu nợ năm 2024. Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, phổ biến, giải thích các quy định pháp luật về quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cho NNT để nâng cao tính tuân thủ, tự giác thực hiện nộp thuế, phòng ngừa nợ thuế. Đẩy mạnh kiểm soát dữ liệu kê khai thuế, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, chứng từ nộp ngân sách Nhà nước của NNT, tập trung đôn đốc NNT nộp các khoản thuế và thu khác phát sinh vào ngân sách Nhà nước đúng thời hạn quy định để hạn chế phát sinh nợ mới.
Chuẩn hóa dữ liệu, đối chiếu nợ thuế, hạch toán đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ thuế của NNT vào ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) để đảm bảo số thuế nợ trên hệ thống TMS chính xác. Thực hiện cập nhật và áp dụng kịp thời các bản nâng cấp ứng dụng phần mềm trên hệ thống TMS trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trên địa bàn. Thực hiện phân loại nợ kịp thời, chính xác, đúng quy định, làm cơ sở cho việc quản lý và áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế kịp thời, đúng quy định.
Thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu hồi nợ thuế đối với nhóm nợ có khả năng thu; đẩy nhanh việc xử lý đối với khoản nợ đang xử lý, khoản nợ khó thu. Tăng cường công tác tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời khẩn trương phối hợp với các sở, ngành liên quan để giải quyết vướng mắc liên quan dẫn đến tiền thuế nợ, xử lý dứt điểm số nợ tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Trường hợp NNT chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và cơ quan thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế nhưng không thu hồi được tiền thuế nợ; tham mưu Cục Thuế ban hành văn bản kiến nghị UBND tỉnh thu hồi đất, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép khai thác theo đúng quy định của pháp luật.
Thường xuyên theo dõi NNT đã được khoanh nợ, xóa nợ để kịp thời phát hiện các trường hợp NNT nợ thuế đã được khoanh nợ nhưng quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có số nộp vào ngân sách Nhà nước hoặc thành lập cơ sở kinh doanh mới để đảm bảo kịp thời xử lý, tham mưu xử lý hủy khoanh nợ, hủy xóa nợ, điều chỉnh số tiền nợ đã khoanh, chấm dứt hiệu lực quyết định khoanh tiền thuế nợ theo đúng quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14, Thông tư số 69/2020/TT-BTC và Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tang-cuong-quan-ly-no-va-cuong-che-tien-no-thue-3171062.html