Tăng cường quản lý, sử dụng nguồn nước ngọt trong mùa khô

Tỉnh đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm mùa khô. Do đó, các giải pháp ứng phó với hạn, xâm nhập mặn đang được quan tâm thực hiện.

Tăng cường dự báo

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hiện nay, dòng chảy sông Mêkông về Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) phụ thuộc khá lớn vào việc vận hành thủy điện ở thượng nguồn. Dòng chảy về đồng bằng giảm nhanh vào các tháng đầu mùa kiệt, mặn đã lên sớm vào tháng 12/2022 và tiếp tục tăng cao trong tháng 02/2023. Cụ thể, vùng thượng ÐBSCL (bao gồm các tỉnh: An Giang, Ðồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP.Cần Thơ) trong tháng 02 thuận lợi hơn về nguồn nước so với các vùng khác. Ðồng thời, mực nước bình quân có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm 10cm.

Thường xuyên kiểm tra các cống đầu mối, hạn chế tình trạng rò rỉ nước mặn vào các kênh, rạch

Thường xuyên kiểm tra các cống đầu mối, hạn chế tình trạng rò rỉ nước mặn vào các kênh, rạch

Vùng giữa ÐBSCL (bao gồm phần đất thuộc các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long, TP.Cần Thơ và vùng được kiểm soát mặn ở các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre) có thể còn bị ảnh hưởng bởi triều cường trong tháng 02 và mặn với nồng độ 4g/l có thể xâm nhập sâu từ 45-60km ở một số địa phương, nếu thượng lưu vận hành xả nước bất thường có thể làm mặn vào sâu từ 50-65km, điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống đầu mối.

Vùng ven biển ÐBSCL (bao gồm các tỉnh: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang) được xem là có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất. Mặn bất thường, hạn, thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa hoàn chỉnh hệ thống kiểm soát mặn. Tháng 02, mặn vào sâu 45-60km; từ tháng 3, mặn gia tăng chủ yếu khu vực sông Vàm Cỏ, mặn có thể xâm nhập 65-75km. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường công tác giám sát mặn và chú ý kiểm tra chất lượng nước trước khi lấy nước tưới cho cây trồng để đề phòng mặn.

Ông Trần Văn Hùm (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) cho biết: “Mực nước trên các sông, rạch trên địa bàn xã đang xuống thấp. Dấu hiệu mùa khô, hạn đã đến. Những ngày nước kém, nhiều con kênh, rạch nước xuống gần đáy, khả năng thiếu nước sản xuất sẽ xảy ra trong những tháng tới”.

Nhiều người dân ở các huyện vùng hạ như Cần Giuộc, Tân Trụ, Thủ Thừa cũng cho biết, với mực nước như hiện nay thì tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn có khả năng xuất hiện trong các tháng 02, 3 Âm lịch và có khả năng ảnh hưởng sản xuất, nuôi thủy sản, sinh hoạt của người dân.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo cho biết: “Để giảm thiểu những tác động do tình hình hạn, mặn và thiếu nước trong sản xuất, bảo vệ vụ mùa cho người dân, ngành Nông nghiệp huyện đã chủ động phối hợp các địa phương nạo vét các tuyến kênh chính, nội đồng. Đồng thời, bố trí, sắp xếp thời gian vận hành các cống điều tiết bảo đảm cho việc sản xuất lúa, nuôi tôm của người dân”.

Quản lý nước mùa kiệt

Người dân cần chủ động dự trữ nguồn nước phục vụ sản xuất

Người dân cần chủ động dự trữ nguồn nước phục vụ sản xuất

Theo các chuyên gia, tiềm năng nguồn nước về ÐBSCL mùa kiệt năm 2023 thuận lợi. Tuy nhiên, do sự phụ thuộc vào vận hành thủy điện trên lưu vực nên nguồn nước cho sản xuất được dự báo ở mức tương tự năm 2020-2021. Khả năng mặn xâm nhập sâu bất thường có thể xảy ra bởi những biến động dòng chảy do vận hành thủy điện gây ra. Vì vậy, các địa phương cần chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó phòng, chống hạn, mặn phù hợp với điều kiện của vùng.

Ðồng thời, các địa phương cần đề phòng mặn bất thường và ngập do triều cường còn kéo dài đến hết tháng 2/2023. Ðáng chú ý, thời gian tới, nếu xả nước ở thượng nguồn (thuộc Trung Quốc) xuống hạ lưu tiếp tục giảm thì khả năng xâm nhập mặn sớm và sâu từ cuối tháng 02, kéo dài sang tháng 3/2023.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm, mặn thường xâm nhập sâu và gây nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và sinh hoạt của người dân. Do đó, để chủ động phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 trên địa bàn tỉnh, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh và phối hợp các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đo đạc, giám sát, cảnh báo xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để hướng dẫn người dân lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt một cách phù hợp; vận hành hiệu quả các trạm quan trắc mặn được lắp đặt trên địa bàn tỉnh; tổ chức ra quân nạo vét kênh, rạch, khai thông dòng chảy và bơm dự trữ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện thông tin: Xâm nhập mặn cao nhất mùa khô năm nay có khả năng tương tự năm 2020-2021, mặn bất thường có thể xảy ra do vận hành thủy điện. Ðể đề phòng các rủi ro do hạn, mặn gây ra, các địa phương cần chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó, chủ động tích nước cho sinh hoạt và cây trồng cạn, tích trữ nước trong các hệ thống kênh, rạch trước các kỳ mặn lên cao. Song song đó, cần tăng cường công tác giám sát mặn, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với các diễn biến nguồn nước./.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tang-cuong-quan-ly-su-dung-nguon-nuoc-ngot-trong-mua-kho-a150254.html