Tăng cường quản lý tài khoản thanh toán, ngăn chặn lừa đảo
NHNN Việt Nam đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17/2021/TT-NHNN về mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Một trong những nội dung nổi bật của Dự thảo là quy định cụ thể và rõ ràng hơn về trình tự, thủ tục mở tài khoản thanh toán. Theo đó, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ phải thực hiện đối chiếu đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu và dữ liệu khách hàng cung cấp, đồng thời xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định pháp luật. Với khách hàng là cá nhân, ngân hàng phải gặp mặt trực tiếp và đối chiếu sinh trắc học dù sử dụng căn cước công dân gắn chip, danh tính điện tử hay các giấy tờ tùy thân khác. Ngân hàng cũng phải xác minh số điện thoại đăng ký tài khoản trùng khớp với giấy tờ tùy thân để đảm bảo tính chính xác của thông tin khách hàng. Các yêu cầu mới này thể hiện sự siết chặt kiểm soát trong mở tài khoản nhằm tăng tính minh bạch và an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Dự thảo cũng bổ sung hướng dẫn xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong trường hợp khách hàng không có mặt tại Việt Nam. Điều này phù hợp với thực tiễn khi ngày càng có nhiều khách hàng là người nước ngoài không cư trú, hoặc thực hiện giao dịch xuyên biên giới.
Để giảm bớt thủ tục hành chính, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc kiểm soát, dự thảo đưa ra danh sách một số đối tượng tổ chức được loại trừ khỏi yêu cầu xác minh sinh trắc học, như: cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức thuộc danh sách Fortune Global 500, hoặc phải công bố thông tin theo quy định pháp luật. Việc này dựa trên cơ sở thông tin pháp lý và người đại diện pháp luật đã được công khai rộng rãi.

Dự thảo cũng nhấn mạnh vai trò chủ động của các ngân hàng trong việc nhận diện và xử lý kịp thời các tài khoản có dấu hiệu rủi ro. Theo đó, bổ sung thêm tiêu chí xác định tài khoản thanh toán có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo, vi phạm pháp luật đối với trường hợp “tài khoản có phát sinh giao dịch nhưng không thể liên hệ được với khách hàng”. Quy định này nhằm tăng cường khả năng cảnh báo sớm và ngăn chặn việc lợi dụng tài khoản ngân hàng vào các hành vi vi phạm pháp luật – một hình thức gian lận đang gia tăng mạnh thời gian qua, đặc biệt trong các vụ lừa đảo tài chính và tội phạm mạng. Trên cơ sở đó, ngân hàng có quyền tạm dừng thực hiện các giao dịch rút tiền, thanh toán bằng phương tiện điện tử đối với trường hợp không thể liên hệ được với khách hàng.
Ngoài ra, dự thảo đề cập đến tình trạng một số khách hàng sử dụng bí danh, biệt danh (nickname) thay cho tên tài khoản. Thực tế đã phát sinh một số trường hợp lợi dụng việc ngân hàng cho phép khách hàng sử dụng nickname thay cho số hiệu, tên tài khoản thanh toán để đặt tên gần giống với các thương hiệu uy tín thực hiện hoạt động lừa đảo, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc sử dụng bí danh, biệt danh trong giao dịch thanh toán có thể dẫn tới nguy cơ chuyển tiền nhầm do không hiện đầy đủ thông tin số hiệu tài khoản và tên tài khoản khi lập lệnh thanh toán. Do đó, tại Dự thảo quy định khách hàng sử dụng đúng số hiệu tài khoản, tên tài khoản thanh toán trong thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán khi thực hiện giao dịch thanh toán và hiện thị đầy đủ trên chứng từ thanh toán. Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Anh Tuấn, quy định tài khoản nhận tiền bắt buộc phải là số tài khoản cụ thể để giảm thiểu rủi ro bị lợi dụng cho các hành vi lừa đảo.
Một điểm mới đáng chú ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định làm rõ ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xác minh đầy đủ các thông tin khách hàng khi cập nhật thông tin định kỳ hoặc khi khách hàng thay đổi thông tin. Bên cạnh đó, trong thực tiễn hoạt động, nhiều trường hợp ngân hàng phát sinh nghi ngờ về tính chính xác hoặc giả mạo thông tin khách hàng mà không gắn với việc khách hàng chủ động thông báo thay đổi. Do đó, tại dự thảo Thông tư bổ sung thêm trường hợp cập nhật thông tin khi có nghi ngờ về tính chính xác và đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó. Việc bổ sung quy định này sẽ đảm bảo sự tương thích với chuẩn mực quốc tế trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (khuyến nghị 10 của FATF).
Dự thảo bổ sung thêm quy định ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải chịu trách nhiệm đối với việc báo cáo tài khoản thanh toán nghi ngờ gian lận giả mạo không trung thực. Lý giải về điểm mới này, cơ quan soạn thảo cho biết, thông tin về danh sách tài khoản thanh toán nghi ngờ gian lận, lừa đảo sẽ được sử dụng để cảnh báo cho khách hàng. Do đó, việc báo cáo danh sách khách hàng nghi ngờ gian lận, lừa đảo của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đảm bảo chính xác và được rà soát theo đúng Bộ tiêu chí. Quy định này không chỉ giúp ngân hàng kịp thời sàng lọc dữ liệu bất thường, mà còn nâng cao chất lượng công tác quản lý, nhận diện và đánh giá rủi ro trong toàn hệ thống.
Theo các chuyên gia, những quy định sửa đổi tại Dự thảo là cần thiết trong bối cảnh thanh toán số phát triển mạnh mẽ, các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi và khách hàng ngày càng đa dạng về đối tượng, quốc tịch và nhu cầu sử dụng dịch vụ.