Tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP An Giang

Bên cạnh việc hỗ trợ chủ thể OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) nâng cao chất lượng sản phẩm thì công tác quảng bá, kết nối thị trường cũng đóng vai trò quan trọng quyết định hiệu quả của Chương trình OCOP. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành chuyên môn, các địa phương, sự nỗ lực của các chủ thể, nhằm đưa sản phẩm OCOP An Giang đến những thị trường tiềm năng.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Hiệp, đến tháng 11/2024, toàn tỉnh có 165 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 2 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 14 sản phẩm 4 sao và 146 sản phẩm 3 sao của 115 chủ thể kinh tế là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

“Chúng tôi đã hỗ trợ các chủ thể về trình tự thủ tục, hồ sơ, cải tiến và phát triển mẫu mã, bao bì theo quy định và nhu cầu thị trường. Đặc biệt, giúp họ nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm đến các thị trường tiềm năng. Nhờ đó, người tiêu dùng từng bước có cái nhìn khách quan, tin tưởng hơn khi tiếp cận các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của An Giang” - ông Trần Thanh Hiệp cho biết.

Các cấp, các ngành tăng cường hỗ trợ chủ thể OCOP quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường

Các cấp, các ngành tăng cường hỗ trợ chủ thể OCOP quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Hiệp cho hay, các chủ thể OCOP đã phát huy được vai trò đối với cộng đồng, như: Tạo việc làm, bảo tồn giá trị văn hóa, đặc sản địa phương. Cùng với đó, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái gắn với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đặc biệt, các chủ thể OCOP dần nắm bắt xu hướng gắn sản phẩm OCOP với mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng để gia tăng giá trị sản phẩm.

Là chủ thể sản phẩm OCOP tương hột Trường Thọ (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới), chị Trần Thị Thu Trang khá phấn khởi khi các sản phẩm của mình được thị trường đón nhận. Chị Thu Trang chia sẻ: “Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, tương hột Trường Thọ được người tiêu dùng tin tưởng, ủng hộ nhiều hơn. Hiện nay, sản phẩm của tôi tiếp cận được các thị trường trong tỉnh, sang Đồng Tháp, xuống Vĩnh Long và ra tận Bình Dương. Đa phần người tiêu dùng nhận định chất lượng sản phẩm thơm ngon, khiến tôi rất vui và đang cố gắng cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm theo hướng hiện đại hơn”.

Chị Thu Trang cũng nhận định, về mặt chất lượng sản phẩm, các chủ thể OCOP có thể đảm bảo tốt, nhưng công tác quảng bá, xúc tiến thương mại vẫn còn hạn chế, cần có sự tham gia hỗ trợ của ngành chuyên môn để tiếp cận với các đối tác lớn, thị trường tiềm năng. Chị cũng mong muốn tiếp tục tham gia nhiều sự kiện, hội chợ để quảng bá sản phẩm tương hột Trường Thọ đến với các đối tác ở khắp nơi trong cả nước vào thời gian tới.

Các chủ thể OCOP cần tăng cường công tác quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ

Các chủ thể OCOP cần tăng cường công tác quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Chương trình OCOP của tỉnh vẫn đối mặt với những khó khăn, như: Các chủ thể chưa chú trọng xây dựng, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm đẹp mắt để thu hút người tiêu dùng; một số cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP quy mô còn nhỏ, tính hàng hóa chưa cao, chưa nhận thức được vai trò quan trọng của công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm; các chủ thể chưa thật sự mặn mà trong việc quảng bá sản phẩm, đặc biệt là việc tận dụng hình thức thương mại điện tử…

Nhằm mở rộng thị trường cho các chủ thể OCOP, Sở NN&PTNT phối hợp các ngành, địa phương tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa OCOP trở thành dấu hiệu nhận diện về sản phẩm trên thị trường, nhằm củng cố niềm tin của người tiêu dùng. Trong đó, đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức thương mại, đặc biệt là cải thiện năng lực tham gia các kênh thương mại điện tử của chủ thể sản phẩm OCOP. Xây dựng, hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, đặc sắc để tạo điểm nhấn, thúc đẩy nhu cầu người tiêu dùng. Đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, đặc biệt là kết nối ngay từ giai đoạn tổ chức sản xuất, tạo sự kết nối giữa sản xuất với thị trường. Tập trung, ưu tiên thị trường trong nước, phát huy các yếu tố về văn hóa, cộng đồng gắn với đặc trưng của sản phẩm OCOP. Xây dựng hệ thống các sự kiện, chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP thường niên, đồng bộ để các chủ thể chủ động tham gia…

“Chúng tôi phối hợp các ngành liên quan tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP An Giang ra thị trường quốc tế, nâng cao năng lực hệ thống logistics trong thương mại sản phẩm OCOP. Xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá và nhận diện thương hiệu đối với các sản phẩm OCOP quốc gia. Đối với các doanh nghiệp, chủ thể trên địa bàn tỉnh, sẽ tiếp tục hỗ trợ họ giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến thị trường tiềm năng. Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP kết nối đối tác, giải quyết những khó khăn phát sinh để họ có động lực tiếp tục tham gia, góp phần vào thành công chung của Chương trình OCOP tỉnh An Giang trong thời gian tới” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Hiệp xác định.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tang-cuong-quang-ba-san-pham-ocop-an-giang-a411187.html