Tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ để tăng lợi ích cho nông nghiệp

Tận dụng nguồn phế phẩm từ nông nghiệp, thời gian qua, nhiều nông hộ, hợp tác xã trên khắp cả nước đã tự làm phân hữu cơ chăm bón cho cây trồng. Việc làm này không những giúp giảm chi phí đầu vào, bảo vệ môi trường mà còn nâng cao chất lượng, giá trị nông sản.

Mô hình canh tác sử dụng kết hợp phân bón hữu cơ và vô cơ tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang). (Ảnh: ANH THƯ)

Mô hình canh tác sử dụng kết hợp phân bón hữu cơ và vô cơ tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang). (Ảnh: ANH THƯ)

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ, nhất là với khoảng 156 triệu tấn phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản động thực vật và thủy sản. Do đó, việc tận dụng nguồn phụ phẩm này mang lại nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp.

Quy mô nhỏ, lợi ích to

Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có khoảng 30ha đất, với khoảng 30 nhóm sản xuất rau màu. Bình quân mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường hơn 300 tấn rau, củ, quả các loại. Quản lý nhóm sản xuất rau Bái Thượng thuộc Hợp tác xã Rau hữu cơ Thanh Xuân, chị Ðỗ Thị Thanh cho biết, sản phẩm rau của Bái Thượng được cấp giấy chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. Mỗi ngày hợp tác xã cung cấp cho thị trường từ 100-150kg rau màu các loại.

Để có thể sản xuất rau sạch, trong quá trình canh tác, hợp tác xã sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ, hầu hết tự ủ phân. Sau khi thu hoạch xong, tận dụng thân, lá rau già, rơm rạ, phân chuồng hợp tác xã đem ủ làm phân. Cách làm rất đơn giản, chỉ cần đun đường đen và cơm nguội làm chế phẩm, sau đó rải đều lên mặt đống ủ. Sau khoảng ba tháng, các loại phụ phẩm này hoai mục hoàn toàn và có thể sử dụng làm phân bón cho cây.

Việc tự làm phân giúp tiết kiệm nhiều chi phí cũng như không cần vận chuyển phụ phẩm đi tiêu hủy, tiết kiệm tiền mua phân bón, đồng thời, giúp tăng năng suất, chất lượng và giá trị cho sản phẩm rau của Bái Thượng. Nhờ vậy, thu nhập của người nông dân ổn định, dao động từ 8-10 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho biết, việc sử dụng phân bón hữu cơ mang lại rất nhiều lợi ích. Ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng ổn định cho cây trồng, phân hữu cơ có tác dụng cải thiện tính chất vật lý, hóa học, sinh học đất, hạn chế rửa trôi, tăng độ thấm và khả năng giữ nước của đất, tăng khả năng chịu hạn của cây trồng, tiết kiệm rất nhiều chi phí đầu vào cho nhà nông.

Phương thức sản xuất và sử dụng phân hữu cơ đang có xu hướng tăng nhanh ở các địa phương có phong trào phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Đặc biệt là ở các địa phương có sự phối hợp vào cuộc đồng bộ từ chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp sản xuất phân bón, thu mua nông sản trong việc chuyển giao quy trình sản xuất và cung ứng các chế phẩm vi sinh cho các nông hộ để sản xuất tại chỗ.

Phương thức sản xuất và sử dụng phân hữu cơ đang có xu hướng tăng nhanh ở các địa phương có phong trào phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Hiện nay, có nhiều địa phương đã làm tốt việc hướng dẫn nông dân tự sản xuất phân hữu cơ. Đơn cử như tại huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre), nơi có gần 17.000 ha dừa, trong đó có hơn 6.000 ha canh tác hữu cơ. Nhu cầu sử dụng phân hữu cơ cho sản xuất rất lớn, trong khi địa phương lại dồi dào nguồn phụ phẩm chăn nuôi từ hàng triệu con gia súc, gia cầm.

Để giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi và có nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất, ngành chức năng huyện Mỏ Cày Nam đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ người dân tự ủ phân hữu cơ vi sinh như: Mô hình sử dụng hệ thống thông khí để sản xuất phân hữu cơ quy mô nông hộ, mô hình ứng dụng nguyên tắc sản xuất nông nghiệp tuần hoàn vào xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị dừa,… Cùng với đó, để tạo động lực cho người dân, địa phương còn tư vấn, thực hiện nhiều điểm ủ phân hữu cơ cũng như hỗ trợ nhà nông men vi sinh để ủ phân... Nhờ vậy, nhiều nông hộ đã thực hiện thành công tự sản xuất phân hữu cơ.

Cần hướng dẫn, hỗ trợ bài bản

Sản xuất phân bón hữu cơ theo phương thức truyền thống thực hiện tại nông hộ chủ yếu dựa trên nguồn nguyên liệu là chất thải hay các phế phụ phẩm thu gom từ chăn nuôi và trồng trọt. Cách làm khá đơn giản, các phụ phẩm hữu cơ được trộn đều, đồng thời có thể bổ sung các nguyên tố khoáng và chế phẩm vi sinh vật, sau đó ủ thành đống với mục đích duy trì nhiệt độ hình thành trong đống ủ để thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ, đẩy nhanh quá trình khoáng hóa và tiêu diệt các sinh vật gây hại.

Hiện có nhiều phương pháp ủ khác nhau như ủ nóng, ủ nguội, ủ hỗn hợp nóng trước nguội sau hay các phương pháp ủ tiên tiến có sử dụng chế phẩm vi sinh, bổ sung trùn quế,...

Có thể thấy, nguồn nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ trong nước rất phong phú và sẵn có tại địa phương. Phương thức và công nghệ sản xuất các loại phân hữu cơ dễ làm đối với đông đảo nông dân. Tuy nhiên ở nhiều nơi, nhà nông còn e ngại khi sử dụng phân hữu cơ chăm bón cây trồng. Nguyên nhân chủ yếu do áp lực thâm canh tăng năng suất và những tiện dụng của phân vô cơ như gọn nhẹ, tác động nhanh đến sinh trưởng của cây, cho nên người dân chủ yếu sử dụng phân bón vô cơ.

Trước thực trạng này, ngành chức năng cần tuyên truyền để nhà nông hiểu rõ mối nguy hại từ lạm dụng phân bón hóa học, từ đó dần thay đổi thói quen canh tác, sử dụng hài hòa giữa phân bón vô cơ và hữu cơ. Khuyến khích nhà nông tận dụng phế phẩm nông nghiệp tự sản xuất phân bón hữu cơ.

Việc sản xuất phân bón hữu cơ trong nông hộ hiện nay còn mang tính tự phát, do vậy, cần xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ truyền thống ở quy mô nông hộ một cách bài bản.

Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ nông hộ với chi phí thấp, hàm lượng chất hữu cơ cao, giảm phát thải khí nhà kính cho nông nghiệp. Đồng thời, khẩn trương xây dựng và triển khai chiến dịch tuyên truyền, tập huấn dài hạn cho nhà nông về sử dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ truyền thống với các mô hình trực quan, sinh động, dễ tiếp thu và thực hiện. Từ đó, thay đổi tập quán, thói quen của người dân và từng bước xây dựng phong trào tự sản xuất phân bón hữu cơ rộng khắp cả nước.

ANH THƯ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-cuong-san-xuat-su-dung-phan-bon-huu-co-post861314.html