Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

(ABO) Sáng 25-8, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 16 ngày 8-5-2012 của Ban Bí thư khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”.

Tại điểm cầu Tiền Giang, đồng chí Nguyễn Văn Mười, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh tham dự.

Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.

Kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 16 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” cho thấy, thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam ở nước ngoài ngày càng mở rộng, phát triển, từ 9 thị trường năm 2013, đến nay đã mở rộng 25 thị trường trọng yếu. Người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng gần 40% so với giai đoạn 2007 - 2012. Trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỷ luật, tác phong làm việc của người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được nâng cao, bước đầu hình thành đội ngũ chuyên gia, lao động chuyên nghiệp khi trở về nước.

Thu nhập của người lao động ở nước ngoài tương đối cao, ổn định, không chỉ giúp xóa khó, giảm nghèo mà còn tích lũy, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm mới sau khi trở về nước. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được các thị trường đánh giá chăm chỉ, khéo tay, khả năng nắm bắt công việc nhanh, ham học hỏi, sáng tạo và làm việc năng suất, chất lượng. Dẫu vậy, trình độ lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn thấp. Thời gian gần đây, Việt Nam đã nỗ lực đưa một số chuyên gia đi lao động ở nước ngoài thay vì chỉ lao động phổ thông như trước đây.

Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.

Tại hội nghị, một số tham luận của các địa phương tập trung vào phân tích, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân khách quan, chủ quan để nhận định một cách chính xác thực tiễn công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, làm rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, phân tích bối cảnh mới đặt ra, cả bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước, dự báo xu thế phát triển, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến thị trường lao động...

Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà các địa phương, đơn vị đạt được trong thời quan qua; đồng thời, chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; điều chỉnh bao quát các quan hệ lao động đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài gắn với quản lý lao động trong nước đảm bảo đồng bộ, liên thông, cập nhật, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Đổi mới đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ, văn hóa cho người lao động; tăng cường công tác bảo hộ công dân đi làm việc ở nước ngoài…

P. MAI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202208/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-cong-tac-dua-nguoi-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-958351/