Tăng cường thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc

Thời gian qua, vấn đề nâng cao dân chủ, phát huy tối đa quyền làm chủ của viên chức và người lao động tại các cơ quan hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (SXKD) được nhiều cơ quan, đơn vị quan tâm. Cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp nào thực hiện tốt Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở thì nơi đó sẽ tạo được sự đồng thuận cao trong tập thể người lao động (NLĐ), hạn chế được các phản ứng tiêu cực mang tính đối kháng, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, cũng như các chỉ tiêu SXKD.

Do có sự nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của thực hiện QCDC trong các nhiệm vụ chính trị, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn và xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, những năm qua, ngành giáo dục chú trọng xây dựng môi trường làm việc thân thiện, tích cực, phát huy tối đa quyền làm chủ của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nâng cao chất lượng giảng dạy. Hằng năm, các cơ quan khối giáo dục và đơn vị trường học đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu chuyên môn; đồng thời, xây dựng nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, viên chức, NLĐ của cơ quan, đơn vị được tìm hiểu, đóng góp ý kiến bổ sung, điều chỉnh các nội dung nội quy, quy chế bảo đảm phù hợp, đúng quy định. Bên cạnh đó, hằng năm người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp với công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị viên chức, NLĐ. Đây là một diễn đàn để trao đổi, bàn bạc, thảo luận nhằm đi đến một mục tiêu là tìm được tiếng nói chung của cán bộ, viên chức, NLĐ của mỗi cơ quan, đơn vị trong thực hiện các nhiệm vụ đề ra…

Được biết, không chỉ ở ngành giáo dục, tại các cơ quan hành chính sự nghiệp khác, vấn đề lấy ý kiến thảo luận về thực hiện các quy chế, quy định hoạt động của cơ quan, đơn vị, việc thu chi... được xác định là nội dung chủ đạo cho các hội nghị dân chủ. Đồng thời, tập trung bàn thảo tìm ra những giải pháp thực hiện tốt nhất, có hiệu quả nhất các phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới của cơ quan, đơn vị. Các thành viên tham dự hội nghị có quyền và trách nhiệm đóng góp ý kiến, chất vấn đối với lãnh đạo về những nội dung được phép công khai hoặc chưa rõ ràng, cụ thể. Lãnh đạo cơ quan có trách nhiệm trả lời từng nội dung, từng câu hỏi và đi đến kết luận cuối cùng với mỗi vấn đề. Cốt lõi của mỗi hội nghị cán bộ, công chức là làm thế nào để có thể nâng cao được nhận thức, ý thức trách nhiệm và tạo ra sự đồng thuận cao trong cán bộ, nhân viên toàn cơ quan, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Được chăm lo đầy đủ về việc làm và các chế độ, chính sách, người lao động Công ty TNHH L&M Vina, huyện Kim Bảng yên tâm làm việc, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp. Ảnh: Hải Yến

Trong thực tế, có lúc, có nơi, việc thực hiện QCDC, tổ chức các hội nghị cán bộ, công chức, viên chức vẫn bộc lộ tính hình thức, thiếu thực tế; hoạt động của mạng lưới thanh tra nhân dân ở một số cơ quan, đơn vị còn yếu và không thể hiện rõ được vai trò, nhiệm vụ giám sát, kiểm tra việc thực hiện những nội dung đã cam kết tại hội nghị dân chủ cơ quan… Mặc dù vậy, hiệu quả của việc thực hiện QCDC tại các cơ quan, đơn vị thuộc khối hành chính sự nghiệp đã đáp ứng yêu cầu, đúng luật định, dần đi vào nền nếp, xác định rõ được quyền lợi và trách nhiệm, thay đổi lề lối làm việc của các bên trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chung. Hằng năm, tỉ lệ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức luôn đạt 100%.

Tại các doanh nghiệp, việc thực hiện QCDC cũng được chỉ đạo và thực hiện tương đối tích cực, thể hiện rõ nét trong việc tổ chức các hội nghị NLĐ. Tại đây, chủ sử dụng lao động bắt buộc phải công khai toàn bộ kế hoạch SXKD và các nội quy, quy chế liên quan đến lao động, như: quy chế tuyển dụng và sử dụng lao động; định mức lao động; thang, bảng lương; quy chế nâng bậc lương; thi đua, khen thưởng, kỷ luật… Đồng thời, công khai tình hình thực hiện các chế độ, chính sách tuyển dụng và sử dụng lao động, nội dung thỏa ước lao động tập thể, tình hình tài chính, cũng như các nội dung gắn với NLĐ. Trong các hội nghị này, NLĐ có quyền tham gia ý kiến đối với các vấn đề về xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế, nội quy và các quy định làm việc; các giải pháp tiết kiệm, nâng cao năng suất lao động, các nội dung trong thỏa ước lao động và có quyền quyết định, tham gia kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đối với một số vấn đề khác.

Trên thực tế, không chỉ trong các hội nghị NLĐ, QCDC mới được thực hiện, mà tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, dân chủ còn được thường xuyên thực hiện thông qua hoạt động đối thoại tại nơi làm việc. Đối thoại thường kỳ được các doanh nghiệp tổ chức 3 tháng/lần nhằm trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến NLĐ và hoạt động chung của đơn vị. Đối thoại khi một bên (thường là NLĐ) có yêu cầu. Khi không tổ chức được, hoặc tổ chức không thường xuyên hội nghị NLĐ, NLĐ tại các doanh nghiệp đó chính là đối tượng thiệt thòi nhất vì mất cơ hội được minh bạch các thông tin, các nội dung liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình, không được bày tỏ quan điểm, ý kiến đóng góp một cách chính thống và cũng không thể loại trừ các nguy cơ xảy ra tranh chấp trong doanh nghiệp nếu không thực hiện tốt dân chủ toàn diện.

Vì vậy, việc đưa QCDC vào thực hiện rộng khắp với tất cả các doanh nghiệp đang là mục tiêu hướng đến của công đoàn các cấp. Để thực hiện được điều này, ngoài sự tích cực tuyên truyền, hướng dẫn của các cấp, ngành trong thực hiện QCDC, cần sớm có những chế tài mang tính bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện và quan trọng nhất vẫn phải có sự vào cuộc của chính các chủ sử dụng lao động.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/lao-dong-viec-lam/tang-cuong-thuc-hien-quy-che-dan-chu-o-co-so-tai-noi-lam-viec-125340.html