Tăng cường tiếng nói của phụ nữ tị nạn ở Uganda
9h sáng tại Bidi Bidi, trại tị nạn lớn nhất châu Phi ở quận Yumbe (Uganda), điện thoại của Grace Neima Khemis, một phụ nữ tị nạn người Nam Sudan 34 tuổi, cứ 5 phút lại reo. Người gọi chủ yếu là nhóm lãnh đạo đang chuẩn bị cho cuộc họp diễn ra vào cuối ngày hôm đó. Khemis đã được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Phúc lợi Người tị nạn của Bidi Bidi vào tháng 4/2024.
Grace Neima Khemis là một trong những người được hưởng lợi từ chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo nữ do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) thực hiện tại Uganda.
Xây dựng kỹ năng lãnh đạo
Trước đây ở Nam Sudan, Grace Neima Khemis là giám đốc ngân hàng nhưng khi xung đột nổ ra ở quê nhà, cô phải chạy trốn, bỏ lại phía sau sự nghiệp của mình. Khemis đến Uganda không có gì ngoài bộ quần áo trên người và 5 đứa con.
Lúc đầu, cô cảm thấy vô vọng. Đến Bidi Bidi, khu định cư tị nạn lớn nhất ở châu Phi, cuộc sống thật khắc nghiệt. Tuy nhiên, cô vẫn kiên trì, được thúc đẩy bởi mong muốn làm lại cuộc đời và giúp đỡ những người khác. Đó là lúc hành trình lãnh đạo của cô bắt đầu.
Năm 2019, Grace tham gia một loạt khóa đào tạo kỹ năng lãnh đạo do "Dự án Luật Người tị nạn" tổ chức. Đây là một phần chương trình của UN Women, do Chính phủ Na Uy tài trợ. Khóa đào tạo đã giúp cô học cách trình bày các vấn đề và ủng hộ sự thay đổi.
Sau đó, Khemis quyết định ứng cử vào vị trí Chủ tịch Ủy ban Phúc lợi Người tị nạn tại trại tị nạn Bidi Bidi. Cô nói: "Tôi nhận ra rằng, có nhiều phụ nữ tị nạn hơn nam giới nhưng chúng tôi không có nhiều người đại diện ở vị trí ra quyết định. Nếu phụ nữ có thể lãnh đạo, tại sao không thể bắt đầu từ khu định cư của mình? Tôi trở về sau buổi tập huấn với quyết tâm tranh cử chức chủ tịch đó".
Được tiếp thêm sức mạnh và sự tự tin, cô Khemis đã tham gia tranh cử cùng với 4 ứng cử viên nam. Mặc dù ban đầu cô không giành ưu thế nhưng quyết tâm và sự chăm chỉ đã giúp cô có được vai trò đại diện cho người tị nạn tại Diễn đàn Gắn kết Người tị nạn quốc gia. Nền tảng này cho phép cô Khemis tăng cường tiếng nói của những người tị nạn.
Cô ủng hộ những người ra quyết định giải quyết các nhu cầu cấp thiết của người tị nạn, chẳng hạn như việc tiếp cận nước sạch và dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Sự cống hiến của cô đã gây được tiếng vang trong cộng đồng và vào tháng 4/2024, cô được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Phúc lợi Người tị nạn.
Đấu tranh cho quyền của người tị nạn
Trên thế giới, trong số 120 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa do chiến tranh, xung đột vào năm 2023, có 49% là phụ nữ và trẻ em gái. Chỉ trong năm 2023, có 96.889 người tị nạn đã đến Uganda, nâng tổng số người tị nạn ở nước này từ hơn 1,5 triệu người lên 1,6 triệu người, tính đến tháng 5/2024. Phần lớn trong số họ đến từ Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Cô Khemis hiểu những thách thức mà phụ nữ tị nạn phải đối mặt. "Phụ nữ chiếm đa số những người tị nạn. Tôi muốn đảm bảo có nhiều phụ nữ hơn đảm nhận vai trò lãnh đạo", cô Khemis nói. Chủ tịch Ủy ban Phúc lợi Người tị nạn hiểu rằng, việc thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ tị nạn không phải là điều hiển nhiên.
"Ngay cả bây giờ, vẫn có một số phụ nữ ngại nói chuyện trước công chúng. Một số người cho rằng phụ nữ không được phép nói chuyện trước công chúng", cô chia sẻ.
Trong thỏa thuận Bidi Bidi, Khemis cho biết, một số vai trò trong giáo dục và tài chính hiện được dành cho phụ nữ để khuyến khích sự lãnh đạo của họ.
Paulina Chiwangu, Đại diện UN Women tại Uganda, cho biết: "Trong những cuộc khủng hoảng kéo dài này, điều bắt buộc là các dịch vụ và chính sách phải được dựa trên tiếng nói và trải nghiệm sống của phụ nữ tị nạn.
Những nỗ lực nhân đạo đáp ứng nhu cầu cụ thể về giới của các cộng đồng bị ảnh hưởng là một khoản đầu tư chiến lược để tăng cường sự tham gia, khả năng phục hồi và khả năng tự lực của cộng đồng.
Trong 5 năm qua, UN Women đã góp phần giúp có thêm nhiều phụ nữ đảm nhận vai trò lãnh đạo tại các trại tị nạn như Bidi Bidi và Adjumani, nơi tỷ lệ đại diện của phụ nữ lần lượt là 47% và 54%".
Grace Neima Khemis mơ về một tương lai, nơi các cô gái tị nạn sẽ quan tâm hơn đến vấn đề giáo dục, con đường mà cô tin rằng sẽ mở ra cơ hội phát triển bản thân của họ. Thông điệp của cô rất rõ ràng: "Tiếng nói của phụ nữ tị nạn rất quan trọng!".
Cô kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cung cấp thêm cơ hội giáo dục, sinh kế cho phụ nữ và trẻ em gái tị nạn, cũng như ghi nhận khả năng phục hồi của họ.
Nguồn: UN Women