Tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm trên đường Vành đai 2

Trong những tháng gần đây, tình trạng xe máy đi vào đường Vành đai 2 trên cao trở thành vấn đề nhức nhối, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Trước tình trạng này, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Vô tư đi vào đường cấm

Tuyến đường Vành đai 2 trên cao dài hơn 5km, điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở. Tháng 1-2023, đường Vành đai 2 thông xe đã giải tỏa phần nào áp lực giao thông dọc tuyến nối các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, đặc biệt là giờ cao điểm lưu lượng xe gia tăng đột biến. Anh N.H.T (quận Đống Đa) cho biết, khi đường Vành đai 2 chưa thông xe, những người hàng ngày phải di chuyển trên tuyến đường Trường Chinh luôn cảm thấy rất mệt mỏi vì ách tắc, thậm chí chờ đến 4 - 5 nhịp đèn xanh đỏ mới có thể đi qua được các ngã tư. Nhưng từ ngày đường Vành đai 2 được đưa vào sử dụng, việc đi lại của mọi người đã thuận tiện hơn, không ai còn lo đi làm muộn nữa.

CSGT tuần tra lưu động trên tuyến đường Vành đai 2 trên cao

CSGT tuần tra lưu động trên tuyến đường Vành đai 2 trên cao

Là đường trong đô thị nhưng đường Vành đai 2 cho phép ô tô được lưu thông với tốc độ 80km/h và hoàn toàn cấm mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ và người đi bộ. Tuy nhiên, có một thực trạng nhức nhối xảy ra, đó là việc rất nhiều người điều khiển mô tô, xe gắn máy bỏ qua biển cấm, cố tình đi lên đường Vành đai 2 để né tránh các điểm ùn ứ. Điều này đã phá vỡ các quy định đối với loại phương tiện được lưu thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. “Với tốc độ tối đa cho phép lên đến 80km/h, nếu xe máy, xe thô sơ đi lên tuyến đường này sẽ rất dễ xảy ra tai nạn. Thậm chí chỉ cần một va chạm nhỏ có thể khiến giao thông ùn ứ, ảnh hưởng đến việc lưu thông của cả tuyến đường” - Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông số 3, Phòng CSGT cho biết.

Thực hiện kế hoạch của Ban Giám đốc CATP Hà Nội và Phòng Cảnh sát giao thông, đơn vị đã bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ xử lý nghiêm các vi phạm, tập trung vào những người điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cấm, đặc biệt là đi vào đường Vành đai 2 trên cao. Hành vi này gây nguy hiểm cho chính bản thân người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông khác.

Theo ghi nhận của phóng viên, không ít trường hợp người dân “vô tư” điều khiển xe máy lên đường Vành đai 2, thậm chí còn không đội mũ bảo hiểm. Khi thấy lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát thì họ lập tức quay đầu bỏ chạy ngược chiều để “né” phạt. “Tôi không hiểu tại sao nhiều người lại vô ý thức đến vậy. Việc đi vào đường cấm đã là sai, lại còn quay đầu chạy ngược chiều trong khi rất nhiều ô tô đang di chuyển với tốc độ cao. Nếu không may xảy ra tai nạn giao thông, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?” - Anh N.H.T bức xúc nói.

Các trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản, xử lý nghiêm theo quy định

Các trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản, xử lý nghiêm theo quy định

Cùng quan điểm, chị L.T.L (trú tại quận Long Biên) cũng bày tỏ: “Rõ ràng đã có biển cấm mà họ vẫn cố tình vi phạm. Nếu cho rằng việc lợi dụng đường Vành đai 2 để tránh ùn tắc và mong được thông cảm thì trong tình huống xảy ra tai nạn cũng vẫn dẫn đến ùn tắc tại con đường này. Tôi cho rằng, đây là việc làm đáng trách, trong khi chúng ta cần hướng tới văn hóa giao thông văn minh, vừa an toàn, vừa giữ hình ảnh bộ mặt giao thông Thủ đô”.

Khi được hỏi lý do vì sao biết là đường cấm vẫn cố tình vi phạm, không ít người bao biện rằng sợ muộn làm, trừ lương, trừ điểm thi đua nên “liều” đi lên đường Vành đai 2. Chưa kể trong số những người vi phạm còn có không ít “shipper” với những bao hàng cồng kềnh phía sau nhưng vẫn ngang nhiên luồn lách, tạt đầu xe ô tô trên làn đường 80km/h. Có lẽ, những người này chưa từng nghĩ tới những hậu quả có thể xảy ra.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Trước tình hình trên, Phòng CSGT (CATP Hà Nội) đã triển khai các tổ công tác, tăng cường tuần tra, kiểm soát, lập chốt chặn phương tiện vi phạm để xử lý. Theo Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông số 4, thực hiện kế hoạch của Ban Giám đốc CATP Hà Nội và Phòng Cảnh sát giao thông, đơn vị đã bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ xử lý nghiêm các vi phạm, tập trung vào những người điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cấm, đặc biệt là đi vào đường Vành đai 2 trên cao.

Hành vi này gây nguy hiểm cho chính bản thân người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông khác. Chỉ trong một buổi sáng, Đội CSGT số 3 và 4 đã xử lý hàng chục trường hợp vi phạm. Ngoài ra, lực lượng chức năng xác định, nhiều người điều khiển xe máy đi thẳng từ cầu Vĩnh Tuy lên Vành đai 2 trên cao và xuống đường Trường Chinh tại nút giao Vành đai 2 - ngã tư Vọng. Do vậy, để tránh sót lọt, các chiến sĩ đã lập chốt tại đây để “đón lõng” xử lý các trường hợp vi phạm cũng như tuyên truyền đến người tham gia giao thông qua tuyến đường này.

Anh N.H.Q (trú tại tỉnh Bắc Ninh) lý giải, do đường bên dưới thường xuyên xảy ra ùn tắc, lại tiện đường từ cầu Vĩnh Tuy sang nên đã bất chấp nguy hiểm đi thẳng lên Vành đai 2 trên cao. “Tôi thấy rất nhiều người đi xe máy lên tuyến đường này nên tôi cứ thế đi theo. Cùng một quãng đường nhưng thời gian di chuyển ít hơn, lại tránh được ách tắc dù biết là cũng nguy hiểm. Sợ va chạm với ô tô thì tôi đi sát vào bên phải đường và bật xi nhan để lái xe họ biết” - anh này nói thêm. Tuy nhiên, ngay sau khi nghe phân tích của các chiến sĩ CSGT, anh Q và nhiều người vi phạm khác đều nhận thức được mức độ nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện đi vào đường Vành đai 2 và khẳng định sẽ không tái phạm.

Trao đổi với An ninh Thủ đô, Trung tá Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng CSGT nhấn mạnh: “Đầu tiên, việc điều khiển phương tiện đi vào đường cấm đã là hành vi vi phạm. Thứ hai, tuyến đường Vành đai 2 cho phép ô tô di chuyển với tốc độ cao nên trường hợp xe máy, xe thô sơ, người đi bộ cố tình đi lên đường Vành đai 2 sẽ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn. Đặc biệt khi phát hiện lực lượng làm nhiệm vụ, người dân lập tức quay đầu xe bỏ chạy khiến các lái xe phía sau vô cùng bất ngờ, nguy cơ va chạm giao thông tăng lên gấp nhiều lần. Bên cạnh việc xử lý, chúng tôi cũng tập trung tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội để người dân nắm được. Hy vọng mọi người sẽ nghiêm túc chấp hành các quy định về TTATGT, nhằm đảm bảo an toàn cho bà con khi lưu thông trên đường”.

Về quy định pháp luật, tại Điều 26 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định mức xử phạt với người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng. Đối với các trường hợp đi vào đường Vành đai 2 trên cao, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt số tiền 500.000 đồng, tước Giấy phép lái xe 2 tháng.

Chị Đào Thị Hoài Anh (tỉnh Hưng Yên): Hy vọng tình trạng xe máy, xe thô sơ đi lên đường Vành đai 2 sẽ chấm dứt

Do tính chất công việc, tôi thường xuyên phải đi lại giữa Hà Nội và Hưng Yên. Nhiều lần đi trên tuyến đường Vành đai 2 tôi rất bức xúc vì có người vô tư điều khiển xe máy giữa làn đường. Theo quan sát, tôi thấy biển cấm các phương tiện xe máy, xe thô sơ ở đầu lối lên xuống đường Vành đai 2, nhưng họ vẫn lờ đi, thậm chí còn chở hàng hóa cồng kềnh, gây ảnh hưởng tới các phương tiện xung quanh khác. Thêm nữa, điều này tiềm ẩn rủi ro dẫn đến tai nạn giao thông vì tuyến đường này chúng tôi được phép lái ô tô với tốc độ cao. Khi xe máy cố tình đi vào đường dành riêng cho ô tô, đương nhiên chúng tôi phải đi chậm lại và với việc luồn lách của một số xe máy thì việc va chạm giao thông là khó tránh khỏi. Thời gian gần đây, tôi thấy lực lượng CSGT tuần tra, xử lý dọc tuyến đường Vành đai 2, ngay cả các điểm lên xuống cũng có các chốt chặn nên cảm thấy rất an tâm. Hy vọng rằng tình trạng người đi xe máy, xe thô sơ lên đường Vành đai 2 sẽ chấm dứt hoàn toàn vì thực tế đây cũng là cách bảo vệ an toàn tính mạng cho chính họ và xây dựng văn hóa giao thông được tốt hơn.

Anh Đỗ Tài Nguyên (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội): Chấp hành quy định khi tham gia giao thông chính là tự bảo vệ mình

Tôi đi làm bằng xe máy dọc tuyến Trường Chinh - Minh Khai, nhiều hôm đường tắc cứng, chờ nhiều nhịp đèn xanh đỏ mới qua được một nút giao. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ liều lĩnh đi lên đường Vành đai 2 để rút ngắn thời gian và tránh tắc đường, bởi khi xây dựng các công trình giao thông, chắc chắn cơ quan chức năng đã tính toán mục đích, công năng sử dụng. Đầu lối lên xuống đều đã ghi rõ biển cấm xe máy và các loại xe thô sơ, chỉ dành riêng cho xe ô tô, thì chúng ta phải chấp hành.

Tôi biết ô tô lưu thông trên đường Vành đai 2 có thể đi với vận tốc 80km/h, nếu xe máy cố tình đi lên thì nguy cơ tai nạn giao thông sẽ luôn thường trực. Có thể hiện tại chưa ghi nhận vụ tai nạn giao thông nào, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là may mắn, nên lực lượng chức năng kiên quyết xử lý các vi phạm trên là hết sức cần thiết. Tôi cũng cho rằng, mọi người cần chấp hành nghiêm các quy định khi tham gia giao thông để bảo vệ an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Nếu mỗi người có ý thức hơn một chút, chắc chắn sẽ bớt đi những hệ lụy đau lòng do tai nạn giao thông.

Anh Phạm Đức Tâm (quận Cầu Giấy, Hà Nội): Đề nghị lực lượng CSGT phải xử lý nghiêm vi phạm để răn đe

Tôi đánh giá cao việc lực lượng CSGT xử lý mạnh tay với các trường hợp vi phạm trên đường Vành đai 2. Người thân, bạn bè của tôi khi di chuyển trên tuyến đường này đều bày tỏ sự bức xúc, vì rõ ràng việc các phương tiện xe máy, xe thô sơ đi vào đường dành riêng cho ô tô là gây cản trở việc lưu thông. Chính tôi cũng đã có trải nghiệm “toát mồ hôi” khi đang lái xe tốc độ cao thì một xe máy đi phía trước bất ngờ quay đầu, khiến tôi phải phanh gấp. Và lúc đó, các phương tiện đi sau tôi cũng sẽ phải giảm tốc độ đột ngột, rất dễ dẫn tới va chạm giao thông liên hoàn. Nếu tình huống đó xảy ra, ai sẽ chịu trách nhiệm cho những thiệt hại của chúng tôi? Nếu ai cũng bao biện rằng vì sợ muộn giờ làm, tránh tắc đường, hay di chuyển nhanh hơn, thuận tiện hơn thì còn đâu là quy định nữa? Do vậy, tôi đề nghị lực lượng CSGT phải xử lý thật nghiêm vi phạm để răn đe, không nhân nhượng bất cứ trường hợp nào.

Theo tôi được biết, với lỗi vi phạm trên, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt số tiền 500.000 đồng và tước Giấy phép lái xe 2 tháng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhiều người không có Giấy phép lái xe vẫn điều khiển phương tiện bình thường, nên có lẽ cần phải có biện pháp mạnh tay hơn nữa. Bản thân tôi khi phát hiện vi phạm cũng sẽ chụp ảnh, quay video và gửi tới cơ quan chức năng.

An Huy (Ghi)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tang-cuong-tuan-tra-xu-ly-vi-pham-tren-duong-vanh-dai-2-post556928.antd