Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới

Vừa qua, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về việc thực hiện chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Thu hoạch nấm mối ở xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng.

Thu hoạch nấm mối ở xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng.

Một số chỉ tiêu giai đoạn này như sau: Ứng dụng công nghệ mới, các giải pháp khoa học bảo đảm tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 15%, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; ít nhất 70% mô hình được triển khai trong chương trình trên địa bàn tỉnh được tiếp tục duy trì và nhân rộng; tối thiểu 80% mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn được triển khai trong chương trình có sự liên kết đa ngành, liên kết theo chuỗi giá trị và hợp tác công tư; tối thiểu 25% mô hình triển khai thuộc chương trình được thực hiện tại các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh tiến độ đạt được các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Nội dung của chương trình tập trung vào việc triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc triển khai phải bảo đảm đồng bộ, linh hoạt và phù hợp với từng nhóm xã (xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới; xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...) theo hướng tích hợp với các chương trình, dự án trên địa bàn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Song song đó, tiếp tục triển khai các chính sách, pháp luật về đất đai hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kết hợp tăng trưởng xanh; nghiên cứu chuyển đổi sử dụng đất hợp lý. Đồng thời phát huy vai trò của chính quyền địa phương, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cấp (đặc biệt là cấp cơ sở) trong thực hiện chương trình nông thôn mới.

Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân áp dụng khoa học và công nghệ, máy móc trang thiết bị vào sản xuất, bảo quản, chế biến sau thu hoạch; nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0, truy xuất nguồn gốc, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, thực hành nông nghiệp tốt (GAP)... nhằm hình thành các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm đặc sản địa phương.

Sản xuất kẹo đậu phộng tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sản xuất kẹo đậu phộng tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 còn tập trung vào việc nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn bền vững, cụ thể: Thực hiện các giải pháp đào tạo đồng bộ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển các sản phẩm thủ công, truyền thống như đan lát, làm bánh tráng...

Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong phát triển hạ tầng nông thôn bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm văn hóa truyền thống của tỉnh để tạo lập môi trường, cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đưa nông thôn trở thành “nơi đáng sống”.

Mặt khác, xây dựng các mô hình nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó ưu tiên mô hình: hợp tác, liên kết ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghiệp chính xác, vật liệu mới; mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo kết hợp với cơ giới hóa trong sản xuất, thương mại nông lâm thủy sản và quản trị nông thôn; mô hình làng sinh thái, làng thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn bền vững; mô hình xây dựng cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn; mô hình xã hội hóa, mô hình hợp tác công trong đầu tư, quản lý, khai thác công trình hạ tầng nông thôn và bảo vệ môi trường, trong đó, tập trung đề xuất các mô hình ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi, giết mổ và nuôi trồng thủy sản.

Nội dung phát triển khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới được thực hiện song hành cùng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Ưu tiên cho những mô hình cơ cấu lại nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, ổn định đời sống dân cư.

Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức xã hội và quảng bá thành tựu khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, từ đó, thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và người tiêu dùng về sử dụng các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng.

Giang Hà

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tang-cuong-ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe-phuc-vu-xay-dung-nong-thon-moi-a163897.html