Tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới

Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới.

Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý

Chiều 3/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Luật Công đoàn hiện hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Sau hơn 10 năm thực hiện đã xuất hiện những yêu cầu, đòi hỏi cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Công đoàn.

Cụ thể, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Công đoàn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu của tình hình mới, đó là: Đối tượng, phạm vi điều chỉnh còn hẹp so với sự phát triển nhanh, đa dạng của lực lượng lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn; hệ thống tổ chức, việc phân công, phân cấp giữa cấp ủy địa phương với tổ chức Công đoàn về công tác tổ chức, cán bộ còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn.

Một số quy định về tài chính công đoàn chưa được bổ sung cụ thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, chưa rõ cơ chế giám sát và việc thực hiện công khai, minh bạch; cơ chế bảo đảm thực thi quyền công đoàn cũng như cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn chưa đầy đủ và tính khả thi chưa cao.

Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Công ước số 98 của ILO. Những cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do này đã đặt ra yêu cầu rà soát và “nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động - công đoàn”.

Trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn 2012.

So với Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi chủ yếu như sau: Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới; hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam.

Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn, đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới; bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung những hành vi bị nghiêm cấm theo hướng quy định chi tiết hơn và phân loại nhóm hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn.

Về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung mới một số quyền, trách nhiệm của công đoàn nhằm bảo đảm sự thống nhất với các đạo luật khác.

Về quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động 2019 và vai trò là tổ chức chính trị - xã hội theo Điều 10 Hiến pháp 2013.

Về bảo đảm thời gian hoạt động công đoàn cho cán bộ công đoàn không chuyên trách, dự thảo Luật sửa đổi quy định về bảo đảm thời gian hoạt động công đoàn cho cán bộ công đoàn không chuyên trách theo hướng: Quy định cụ thể cách xác định tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ công đoàn không chuyên trách trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên công đoàn, đảm bảo tuân theo cách tiếp cận mới của Bộ luật Lao động 2019, không suy giảm quá lớn so với quy định hiện hành, đảm bảo cho công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều 10 Hiến pháp 2013.

Tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi)

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho hay, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội, ý kiến tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến góp ý của một số Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Tuy nhiên, các quy định của dự án Luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, khái quát về các nội dung xác định tại phạm vi điều chỉnh. Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, quán triệt, thể chế hóa các quan điểm của Đảng bằng các quy định cụ thể của dự thảo Luật.

Trong quá trình triển khai thực hiện thời gian tới, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hết sức quan tâm đến việc đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong việc tập trung phát triển về số lượng gắn với nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò công đoàn cơ sở, thu hút và kết nạp được đông đảo hơn nữa người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam để xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi 32/33 điều của Luật hiện hành, bổ sung 4 điều mới, bãi bỏ 1 điều của Luật hiện hành.

Ủy ban Xã hội nhất trí với việc sửa đổi toàn diện dự án Luật và thấy rằng, còn nhiều vấn đề cần thiết khác phải được đặt ra trong quá trình xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) như: Xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, phong trào công nhân, khuyến khích xã hội hóa nguồn lực.

Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để việc sửa đổi các chính sách trong dự án Luật bảo đảm toàn diện, sâu sắc, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-cuong-vai-tro-cua-cong-doan-viet-nam-trong-boi-canh-moi-323993.html