Tăng cường vai trò doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp

Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).

Cụ thể, chính sách mới của dự thảo Luật là sẽ có cơ chế để thu hút hiệu quả doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài vào giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Luật GDNN sẽ bổ sung vai trò của doanh nghiệp trong GDNN, các chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong việc tham gia các hoạt động GDNN cũng như quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN.

Doanh nghiệp sẽ được khuyến khích tham gia xây dựng chương trình, giảng dạy và thực hành tại chỗ, thậm chí được ưu tiên đầu tư vào các cơ sở GDNN. Chính sách này giúp đào tạo gắn liền với nhu cầu thị trường, thu hẹp khoảng cách giữa “lý thuyết” và “thực tế”, từ đó nâng cao chất lượng và khả năng tuyển dụng của người học sau tốt nghiệp.

Đổi mới hoạt động GGNN để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Đổi mới hoạt động GGNN để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Cùng với đó là các chính sách về hợp tác quốc tế, đầu tư nước ngoài trong GDNN; chính sách thu hút lao động của doanh nghiệp tham gia giảng dạy các trình độ GDNN mở rộng và tận dụng những lợi thế về nguồn vốn và đội ngũ giảng dạy đến từ doanh nghiệp gắn đào tạo với sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Đồng thời, Luật mới sắp tới đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư dựa trên chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch của cơ sở GDNN. Ngành GDNN đang thực hiện đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách tài chính nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả đầu tư và phát huy tối đa nguồn lực xã hội. Các chính sách của Luật tập trung vào minh bạch trong quản lý tài chính, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDNN, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người học thông qua học phí hợp lý, học bổng và hỗ trợ tài chính. Mục tiêu là xây dựng hệ thống GDNN hiện đại, công khai, công bằng, thúc đẩy phân luồng học sinh hợp lý và phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển bền vững của xã hội.

Câu chuyện về đổi mới tài chính trong GDNN tiếp tục sẽ được thể hiện qua các quy định tạo điều kiện cho các trường nghề sẽ được tăng quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính và chuyên môn, nhưng đi kèm với yêu cầu trách nhiệm giải trình minh bạch. Luật cũng đề xuất đối với học phí - sẽ được điều chỉnh hợp lý, đồng thời tăng cường học bổng và hỗ trợ tài chính cho người học, đảm bảo tiếp cận công bằng và thúc đẩy động lực học tập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định, việc đổi mới hệ thống nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi công dân, đẩy mạnh phân luồng, tăng số lượng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào GDNN; thực hiện đào tạo nghề, dạy văn hóa, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học tại các cơ sở GDNN; đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên. Đổi mới hệ thống nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém về hướng nghiệp, phân luồng, liên thông; bất hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo; quy mô, chất lượng, hiệu quả đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành, nghề mới, kỹ năng tiên tiến, hội nhập quốc tế.

Các nội dung đổi mới bao gồm: Hình thành chương trình trung học nghề trong GDNN, đào tạo tích hợp kiến thức nền tảng của chương trình trung học phổ thông và năng lực nghề nghiệp; đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng; hình thành mạng lưới cơ sở GDNN tinh gọn, hiệu quả, gồm: trường trung học nghề, trường cao đẳng; mở rộng hệ thống cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bổ sung quy định về quy hoạch phát triển trường cao đẳng là trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực quản trị của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Chương trình đào tạo sẽ được điều chỉnh theo hướng đa dạng hóa chương trình, thời gian, hình thức, phương thức đào tạo và cấp văn bằng, chứng chỉ theo hướng mở, linh hoạt, thực tiễn. Luật mới cũng nhấn mạnh về việc tạo điều kiện để người dân học tập suốt đời, nâng cao, cập nhật và chuyển đổi năng lực nghề nghiệp nhằm thích ứng với sự thay đổi của công nghệ và thị trường lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Cơ quan soạn thảo cũng đưa ra giải pháp cho đến vấn đề nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo cao đẳng; nhân rộng, chuyển giao các chương trình đào tạo tiên tiến, cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn, công nghệ mới trong GDNN, đáp ứng yêu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, nhất là những ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn cho phát triển đất nước.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tang-cuong-vai-tro-doanh-nghiep-trong-giao-duc-nghe-nghiep-164648.html