Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan trình dự án luật
Tiếp tục Phiên họp thứ 42, chiều 5-2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và cho ý kiến về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được ban hành với mục đích hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Dự thảo luật có bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương, 101 điều so với Luật Ban hành VBQPPL năm 2015).
Dự thảo luật tập trung vào 7 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật, gồm: Tiếp tục đơn giản hóa hệ thống VBQPPL, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật, phân định rõ thẩm quyền ban hành VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và văn bản dưới luật; bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ; đổi mới việc xây dựng chương trình lập pháp của Quốc hội; đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL; đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo; quy định việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật; hướng dẫn áp dụng VBQPPL.
Trình bày nội dung quy định về vai trò của cơ quan trình dự án luật trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo ý kiến của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, theo luật hiện hành, Chính phủ và các cơ quan ngoài Chính phủ thực hiện việc đề xuất, xây dựng và trình dự án luật để Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ nhất; Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan chỉ đạo chỉnh lý dự án luật và chịu trách nhiệm trực tiếp báo cáo Quốc hội về kết quả giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật để Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ hai.
Với tinh thần mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một người chủ trì và chịu trách nhiệm, trên cơ sở chủ trương của Đảng về việc đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, quy định về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, cần thiết phải phân định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội trong quy trình xây dựng pháp luật. Theo đó, Chính phủ làm đúng vai trò là cơ quan trình dự án luật và chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do mình trình; Quốc hội là cơ quan lập pháp, có quyền thông qua hoặc không thông qua dự án luật do Chính phủ trình.
Đồng thời, dự thảo luật bổ sung các quy định nhằm phân định rõ vai trò cũng như tăng cường cơ chế phối hợp của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình trình, thẩm tra, cho ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự cố gắng của Bộ Tư pháp; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan liên quan trong việc soạn thảo, thẩm tra dự thảo luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội đề nghị có sự lý giải về việc giảm 101 điều trong dự thảo luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) so với luật hiện hành để trình các đại biểu Quốc hội xem xét; đánh giá tác động của điều này đến việc ban hành luật, có tháo gỡ được những vướng mắc, tồn tại của luật hiện hành hay không?
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát lại từ ngữ trong dự thảo luật; làm rõ thêm việc tăng cường vai trò của cơ quan trình trong việc chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án do mình trình, đồng thời nhất trí bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ để thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị.