Tăng cường vận chuyển rau củ từ Nam ra Bắc, đẩy mạnh sản xuất để phục vụ người dân
Trước ảnh hưởng của bão số 3, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã tăng cường vận chuyển rau củ từ Nam ra Bắc, đẩy mạnh sản xuất để bảo đảm sản lượng cung cấp cho phía Bắc.
Nguồn cung hàng hóa thiết yếu được đảm bảo
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ảnh hưởng từ cơn bão số 3. Theo đó, 124.593 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại, tập trung nhiều tại Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên. Ngoài ra, có 22.047 ha hoa màu và 6.887 ha cây ăn quả bị hư hại.
Điều này đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung rau, củ, quả cho người dân tại nhiều nơi. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các siêu thị đã đẩy mạnh nhập rau, củ, quả từ Nam ra Bắc.
Theo Sở Công Thương TP Hà Nội, tính đến 11h sáng ngày 11/9, hệ thống bán lẻ và các chợ, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản được đảm bảo để phục vụ người dân.
Một số điểm bán trên địa bàn nằm trong khu vực ngập úng dẫn đến công tác vận chuyển hàng hóa chậm hơn so với thông thường do phương tiện vận chuyển được điều chuyển đến các tỉnh ảnh hưởng nặng nề của bão.
Tình hình mưa, ngập khiến rau bị hỏng và khó khăn trong công tác thu hoạch và vận chuyển, tuy nhiên, các mặt hàng này đã được chủ động điều chuyển từ nguồn hàng các tỉnh phía Nam để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân.
Đại diện Central Retail Việt Nam cho biết, nhằm cung ứng đầy đủ hàng hóa cho các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão số 3, các hệ thống GO!, Big C của công ty này đã tăng 100% sản lượng cung ứng hàng hóa rau củ so với ngày thường.
Ngay từ cuối tuần trước, công ty đã chuẩn bị những chuyến xe tăng cường hàng hóa cho miền Bắc. Theo đó, trung bình mỗi chuyến xe đi từ Đà Lạt giao cho miền Trung và miền Bắc là 40 tấn/chuyến, nay tăng lên 75-80 tấn /chuyến.
Tính đến ngày 9/9, Central Retail Việt Nam đã vận chuyển 3 chuyến hàng đến các siêu thị GO!, Big C miền Bắc, với khoảng 150 tấn rau, củ, quả các loại. Về giá bán, hệ thống này cho biết, giá cả vẫn được giữ nguyên như trước khi xảy ra bão vì đã có chuẩn bị nguồn hàng từ trước cùng các đối tác ở Đà Lạt.
Trong khi đó, đại diện siêu thị WinMart cho biết, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp WinEco (thành viên của Tập đoàn Masan), đã triển khai ngay kế hoạch thu hoạch, vận chuyển và phân phối nông sản từ miền Nam ra miền Bắc, nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt rau củ do thiên tai. Từ ngày 8/9, gần 100 tấn rau củ thiết yếu như: mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, cải chíp, bầu bí, mướp đắng và nhiều mặt hàng khác, đã được vận chuyển mỗi ngày từ miền Nam và Lâm Đồng ra miền Bắc.
“Giá cả bình ổn, không tăng so với thời điểm trước bão. Chương trình ưu đãi 20% dành cho các sản phẩm thịt sạch MEATDeli và rau sạch WinEco vẫn được áp dụng cho hội viên WIN. Hiện tại, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau củ, cùng các sản phẩm thiết yếu như gạo, mì… vẫn được cung cấp đầy đủ” - đại diện WinMart nói.
Giám đốc Truyền thông & Đối ngoại, AEON Việt Nam, Nguyễn Thị Ngọc Huệ thông tin, công ty vẫn liên tục làm việc với nhà cung cấp, chuyển rau từ Đà Lạt ra miền Bắc để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chúng tôi đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa, giá cả ổn định, khách hàng có thể yên tâm mua đủ theo nhu cầu sử dụng, không cần tích hay gom hàng hóa.
Còn Trưởng nhóm thu mua ngành hàng tươi sống hệ thống siêu thị MM Mega Market, Phạm Văn Hùng cho biết, đơn vị đã tăng gấp 3 chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ trạm cung ứng tại Lâm Đồng ra các tỉnh phía Bắc (khoảng 40 tấn rau củ) trong 2 ngày 8 và 9/9. Đồng thời, MM Mega Market vẫn đảm bảo nguồn cung thịt heo lớn do có trạm thu mua và trung chuyển thịt heo ngay tại Hà Nội.
Điều tiết và vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân
Qua tổng hợp báo cáo tình hình cung ứng hàng hóa từ Sở Công Thương các tỉnh, TP, Bộ Công Thương cho biết:
Đối với các khu vực chưa bị ngập lụt, chia cắt: tình hình cung ứng hàng hóa vẫn được bảo đảm, giá hàng hóa tại các hệ thống phân phối hiện đại được giữ ổn định; tại các chợ truyền thống, giá một số loại rau, củ, thịt lợn, mỳ có tăng nhưng nguồn cung được bổ sung thường xuyên nên không có hiện tượng thiếu hàng tăng giá đột biến.
Đối với các khu vực bị ngập, lụt, chia cắt, Sở Công Thương và các doanh nghiệp đang phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, cung ứng các mặt hàng như nhu yếu phẩm như mỳ, lương khô, bánh mỳ, bánh chưng, nước uống đóng chai đến cho người dân.
Bộ Công Thương cũng khuyến cáo người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại và dự trữ nguồn như yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão gây ra.
Ngày 11/9, Bộ Công Thương ban hành Công điện hỏa tốc số 6969/CĐ-BCT về việc tập trung khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét sau bão, trong đó, tập trung triển khai một số nhiệm vụ:
Tổ chức triển khai Tổ công tác tiền phương về cung ứng, điều tiết hàng hóa thiết yếu tại các địa phương chịu ảnh hưởng sau bão số 3 để trực tiếp nắm bắt tình hình thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu. Thực hiện công tác điều tiết giữa các tỉnh, TP đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, TP khác khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trị cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương chịu tác động của mưa, lũ.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão và thường xuyên và liên tục nắm bắt báo cáo tình hình của các địa phương để có chỉ đạo cụ thể và kịp thời đối với từng địa phương trong việc phối hợp với các đơn vị chức năng điều tiết và vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 năm 2024.