Tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP

Tính đến nay, Quảng Ninh đã có 336 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt từ 3-5 sao. Để phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, tỉnh đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng.

Chỉ tính 6 tháng năm 2023, Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP tỉnh đã tổ chức 3 hội chợ, là: Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2023, Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2023, Hội chợ triển lãm chào mừng Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng. Quy mô mỗi hội chợ từ 100-220 gian hàng, trưng bày, giới thiệu và bán hàng nghìn sản phẩm OCOP tiêu biểu không chỉ của Quảng Ninh mà của nhiều tỉnh, thành trong cả nước, thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm.

Khách hàng tham quan, mua sắm tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2023.

Khách hàng tham quan, mua sắm tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2023.

Ngoài ra, các địa phương tổ chức 7 hội chợ OCOP kết hợp thương mại; hội chợ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; cung cấp thông tin 23 chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong, ngoài nước đến Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu đăng ký tham gia.

Hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản của tỉnh tới các thị trường trong nước được quan tâm. Đến nay, đã có trên 100 sản phẩm (trong đó có trên 54 sản phẩm OCOP) được liên kết tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Go!, MM Mega Market, Aloha, Winmart, Winmart+...; nhiều sản phẩm được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng...

Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối tiêu thụ trên đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong tỉnh Quảng Ninh tới rộng rãi các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Đồng thời tạo hiệu ứng tích cực đến người dân và du khách đến tham quan, mua sắm đối với những sản phẩm hàng hóa sản xuất trong tỉnh, tạo điều kiện cho người dân và các cơ sở sản xuất hàng hóa sản phẩm trong tỉnh gia tăng thu nhập, ổn định đời sống, yên tâm sản xuất.

Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm thương hiệu giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Yên Bái, tháng 7-2023. Ảnh: Đình Trung (CTV)

Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm thương hiệu giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Yên Bái, tháng 7-2023. Ảnh: Đình Trung (CTV)

Hoạt động thương mại điện tử cũng ngày càng được coi trọng, trở thành kênh giới thiệu sản phẩm hiệu quả. Hiện toàn tỉnh có 336 sản phẩm OCOP đạt chuẩn được đưa lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Như sàn Voso: 160/336 sản phẩm; sàn TMĐT Postmart: 108/336 sản phẩm. Riêng Sàn giao dịch TMĐT tỉnh (http://teqni.gov.vn) đang giới thiệu 424/560 sản phẩm OCOP, trong đó có 190/336 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Số lượng khách truy cập trong 5 tháng đầu năm 2023 là khoảng 93.400 nghìn lượt. Các sản phẩm bán chạy gồm: Trà hoa vàng (Ba Chẽ), miến dong Bình Liêu, ruốc hàu Vân Đồn... Các sản phẩm OCOP đạt chuẩn đưa lên các sàn TMĐT đều chấp nhận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP tỉnh đã đôn đốc, chỉ đạo 2 doanh nghiệp Bưu chính (Chi nhánh bưu chính Viettel Quảng Ninh và Bưu điện tỉnh Quảng Ninh) triển khai đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên lên sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Kết quả: Có 187/267 (đạt 70%) sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh đạt từ 3 sao trở lên đã đưa lên sàn TMĐT Postmartvn và Voso.vn. Các sản phẩm còn lại không đưa lên sàn TMĐT do đa số là sản phẩm có hạn sử dụng ngắn (rau, sữa tươi, giò, chả...), số lượng ít, chỉ đủ để cung ứng tại địa phương; một số hộ sản xuất và hộ kinh doanh không có nhu cầu bán trên sàn TMĐT hoặc sản phẩm rượu không được bán trên sàn TMĐT.

Thực hiện Chu trình OCOP giai đoạn đến năm 2025, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh tích cực tuyên truyền phát triển sản phẩm, tập trung khảo sát phát triển sản phẩm OCOP hài hòa ở cả 6 nhóm ngành. Trong đó, chú trọng khảo sát phát triển sản phẩm thuộc các nhóm dược liệu; thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh; nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi số, đưa các sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT, thanh toán không dùng tiền mặt và tổ chức các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại ở trong và nước ngoài nhằm mang lại cơ hội cho các sản phẩm OCOP Quảng Ninh có mặt tại các thị trường nhiều tiềm năng, tiếp cận được đông đảo người tiêu dùng.

Hoàng Nhi (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/148258/tang-cuong-xuc-tien-thuong-mai-cho-san-pham-ocop