Tăng đường bay, tần suất bay quốc tế tới Hà Nội: Thêm cơ hội phát triển du lịch
(HNM) - Từ đầu năm đến hết tháng 11, ngành Du lịch Hà Nội đã đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, là năm thứ hai liên tiếp du lịch Thủ đô đạt được con số này. Đóng góp vào kết quả ấn tượng đó có sự tác động đáng kể từ việc gia tăng các đường bay quốc tế cũng như tần suất bay quốc tế tới Hà Nội và ngược lại. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của Hàng không trong phát triển du lịch.
Việc gia tăng các đường bay, tần suất bay quốc tế tới Hà Nội đóng góp vào sự phát triển của du lịch Thủ đô.Trong Ảnh: Hãng hàng không Bangkok Airways khai trương đường bay từ Chiang Mai tới Hà Nội. Ảnh: Huyền Trang
Trên 80% khách quốc tế đến Hà Nội bằng đường hàng không
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tỷ lệ khách du lịch di chuyển bằng đường hàng không tới Việt Nam luôn áp đảo so với các hình thức di chuyển khác (đường bộ, đường biển). Trong 11 tháng năm 2019, gần 16,3 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam, trong đó có tới hơn 13 triệu lượt khách di chuyển bằng đường hàng không.
Tỷ lệ khách quốc tế đến Hà Nội bằng đường hàng không cũng luôn chiếm 80% trở lên, đặc biệt khi Hà Nội có sân bay quốc tế Nội Bài từ năm 2016 đến nay liên tiếp được Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Anh Skytrax xếp vào tốp 100 sân bay tốt nhất thế giới. Theo số liệu từ Sở Du lịch Hà Nội, hiện có gần 40 hãng hàng không quốc tế có đường bay đến Nội Bài. Mới đây, Chính phủ vừa đồng ý điều chỉnh quy hoạch sân bay Nội Bài lên công suất 100 triệu khách/năm để khắc phục tình trạng quá tải và bảo đảm mục tiêu phát triển dài hạn, bền vững. Vì vậy, trong những cuộc tiếp xúc với các đoàn doanh nghiệp lữ hành nước ngoài đến khảo sát du lịch, Sở Du lịch luôn đề cao lợi thế của Hà Nội khi có sân bay quốc tế Nội Bài với hệ thống hạ tầng tốt nhất Việt Nam.
Cũng nhờ điều này nên trong những năm gần đây, các hãng hàng không quốc tế cũng như trong nước liên tiếp mở đường bay, gia tăng tần suất bay đến Hà Nội và ngược lại. Thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy, các hãng mở đường bay mới hoặc gia tăng tần suất bay tới Hà Nội chủ yếu đến từ châu Á, nhất là các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á.
Hồi đầu năm nay, Philippines Airlines đã mở 4 chuyến bay mỗi tuần nối thủ đô Manila (Philippines) với Hà Nội. Trong khi đó, Eva Air, Hãng hàng không của Đài Loan (Trung Quốc), cũng nâng gấp đôi lượng chuyến bay từ sân bay Đào Viên (Đài Loan, Trung Quốc) tới sân bay Nội Bài từ tháng 10 vừa qua, nâng tần suất khai thác từ 7 chuyến/tuần lên 14 chuyến/tuần. Cathay Pacific cũng khai thác thêm hai chuyến bay của Cathay Dragon vào mỗi tuần giữa Hà Nội và Hồng Kông (Trung Quốc) từ cuối tháng 10-2019. Hồi đầu tháng 10-2019, Hãng hàng không giá rẻ IndiGo (Ấn Độ) cũng mở đường bay thẳng nối thành phố Kolkata (Ấn Độ) với Hà Nội... Trước đó, giữa và cuối năm 2018, các hãng hàng không T'way Air, Air Busan, Bangkok Airways cũng mở hoặc tăng chuyến bay giữa các thành phố của Hàn Quốc và Thái Lan tới Hà Nội để khai thác tối đa nguồn khách du lịch từ hai nước.
Thực tế trên bắt nguồn từ nguyên nhân trong 10 thị trường khách du lịch quốc tế hàng đầu đến Hà Nội những năm gần đây, du khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản luôn chiếm 3 vị trí dẫn đầu. Với hệ thống cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch hiện tại, Hà Nội hoàn toàn có thể đón thêm khách quốc tế.
Trong khi đó, các doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Gần nhất, Bamboo Airways thông báo sẽ khai thác đường bay Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc) từ tháng 12-2020 để tận dụng hết dư địa nguồn khách du lịch giữa hai nước. Ông John Park, Giám đốc điều hành PAA Group, Tổng đại lý của Bamboo Airways tại Hàn Quốc cho rằng, việc Bamboo Airways đã và sẽ đưa vào hoạt động các đường bay từ Việt Nam, trong đó có Hà Nội đi Hàn Quốc và ngược lại sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu di chuyển của du khách hai nước, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định: “Sự phát triển về hàng không đã và sẽ tác động mạnh đến lượng khách quốc tế tới Việt Nam, trong đó có Hà Nội. Rõ ràng, đó là những cơ hội lớn cho ngành Du lịch cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng”.
Cần tận dụng triệt để
Thực tế cho thấy vẫn còn dư địa để Thủ đô đón thêm khách quốc tế. Tuy nhiên, để đáp ứng điều này còn phụ thuộc vào chiến lược làm du lịch cũng như hạ tầng hàng không. Trong nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi với các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải đều đặt vấn đề: Số lượng khách đến Hà Nội dù quan trọng nhưng cũng không thể quan trọng hơn sự bền vững của môi trường du lịch, khiến khách lưu trú lâu hơn, quay lại Hà Nội nhiều hơn. Trong đó, hạ tầng hàng không cũng phải đáp ứng được nhu cầu mở đường bay mới hoặc gia tăng tần suất bay quốc tế tới Hà Nội.
Hãng hàng không Bamboo Airways phối hợp cùng sân bay Nội Bài tổ chức lễ đón hành khách trong chuyến bay quốc tế đầu tiên đến từ Hàn Quốc.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Vietcharm Lại Quốc Cường chia sẻ: “Thực tế, từ khi đường bay Manila của Philippines tới Hà Nội được khai thác, số khách du lịch Philippines của doanh nghiệp chúng tôi đã tăng đáng kể. Nếu trong thời gian tới, có thêm đường bay thẳng từ Indonesia tới Hà Nội thì các doanh nghiệp lữ hành hai nước còn được hưởng lợi nhiều hơn. Tất nhiên, để thực hiện được còn phụ thuộc vào hạ tầng sân bay quốc tế Nội Bài, hiện không dư chỗ để các hãng hàng không khai thác”.
Ở khía cạnh khác, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist nhận định: “Không chỉ doanh nghiệp lữ hành mà du lịch Thủ đô nói chung được hưởng lợi từ sự phát triển của hàng không, đặc biệt khi có nhiều hơn tuyến bay thẳng tới Hà Nội. Nhưng vấn đề là những người làm du lịch phải biết tận dụng. Sản phẩm du lịch ra sao, chất lượng phục vụ thế nào... sẽ đóng vai trò quyết định để thu hút khách quốc tế, khiến họ quay lại Hà Nội. Dù vậy, việc mở đường bay mới, gia tăng tần suất bay là cơ hội, yếu tố ban đầu để thu hút khách, nên cần tận dụng triệt để”.
Còn theo chuyên gia du lịch Nguyễn Tiến Đạt thì: “Hà Nội đã và sẽ ngày càng có nhiều sản phẩm du lịch sáng tạo, chất lượng cao, đặc biệt sắp tới là Giải đua xe Công thức 1, trường đua ngựa tại Sóc Sơn... Đây là điều kiện cần để thu hút khách, để thúc đẩy sự phát triển của hàng không cũng như chính ngành Du lịch Hà Nội”.
Việc khai thác ngày càng nhiều đường bay đến Hà Nội của các doanh nghiệp hàng không trong và ngoài nước góp phần giúp Hà Nội sớm hoàn thành và vượt chỉ tiêu về lượng khách quốc tế (5,7 triệu lượt vào năm 2020) như Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” đặt ra. Tuy nhiên, tận dụng được hết lợi thế này mới là vấn đề cần quan tâm để du lịch tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.
Góc nhìn
“Bắt tay” cùng phát triển
Đình Hiệp
(HNM) - Du lịch và hàng không là hai ngành kinh tế luôn có mối liên quan trực tiếp, hỗ trợ cùng phát triển. Các hãng hàng không mở thêm chuyến bay không ngoài mục đích là tạo điều kiện cho du lịch phát triển qua việc mở thêm tour, tuyến, sản phẩm du lịch. Ngược lại, yếu tố tiên quyết khiến các hãng hàng không mở đường bay mới là nhằm kích cầu du lịch phát triển. Xem tiếp »