Tăng giá điện - tăng nỗi lo
Từ ngày 10-5, mức giá bán lẻ điện bình quân đã chính thức tăng lên 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), đánh dấu đợt điều chỉnh thứ tư từ năm 2023 đến nay, với tổng mức tăng trên 17%. Dù được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải thích tăng giá bán lẻ điện là để bù đắp chi phí sản xuất và phát triển lưới điện, nhưng việc tăng giá điện giữa lúc nền kinh tế đang chịu nhiều sức ép khiến không ít người dân và doanh nghiệp lo lắng.
Cơn “nóng” đầu hè

Nhân viên điện lực hướng dẫn khách hàng dịch chuyển nhu cầu sử dụng điện góp phần giảm phụ tải chung của hệ thống. Ảnh: Việt Anh
Trung bình tiền điện mỗi tháng của gia đình anh Nguyễn Văn Thành, phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) từ 3,5- 4 triệu đồng. Tiếp nhận thông tin tăng giá điện, anh Thành chia sẻ: “Số tiền điện hằng tháng nói trên là mức mà các thành viên trong nhà sử dụng điện tiết kiệm tối đa để cân đối với thu nhập. Từ tháng này trở đi, chúng tôi sẽ hạn chế sử dụng những thiết bị điện có công suất lớn”.
Mở siêu thị mini bán hàng thiết yếu nên từ tháng 4, khi bắt đầu nắng nóng, để phục vụ việc bán hàng, gia đình chị Mai Lệ Hương, xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) đã sử dụng tất cả hệ thống máy lạnh, máy đá, tủ đông để đựng đồ ăn cần làm lạnh và đồ uống giải nhiệt. "Việc tăng giá điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc buôn bán”, chị Mai Lệ Hương chia sẻ.
Không chỉ hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, mà nhiều doanh nghiệp cũng đang sẵn sàng tâm lý đối diện với khó khăn khi điện tăng giá.
Khi tiếp nhận thông tin tăng giá điện bán lẻ, cán bộ, nhân viên trong Công ty cổ phần Chuyển giao công nghệ Thăng Long, phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) xác định các ngành sản xuất liên quan đến lĩnh vực hoạt động của công ty như: Xi măng, bê tông, gạch không nung, sắt thép… sẽ tăng theo.
“Từ đầu tháng đến nay, công ty chúng tôi chưa tiếp nhận công trình mới nên chưa điều chỉnh mức tăng mới, hy vọng các bên vẫn chịu được “nhiệt” để mọi việc vận hành như cũ”, Kế toán trưởng Công ty - chị Nguyễn Thị Thanh Sơn bày tỏ.
Là đơn vị chuyên cung ứng thực phẩm đông lạnh phục vụ bếp ăn tại các khu công nghiệp, trường học, Xí nghiệp Bắc Hà có địa chỉ tại xã Vân Nội (Đông Anh) đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng giá điện. Ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc Xí nghiệp chia sẻ, với hệ thống kho lạnh mà đơn vị đang vận hành để bảo quản thực phẩm, việc tăng giá điện làm phát sinh một khoản tiền không nhỏ, chưa tính sản phẩm “đầu vào” cũng tăng theo giá điện.
“Doanh nghiệp chúng tôi sẽ chịu tác động kép về chi phí phát sinh nhưng chưa thể nâng giá bán hàng bởi việc giữ ổn định cho đối tác là việc cần thiết nhất vào thời điểm này. Để hạn chế chi phí điện tăng thêm, chúng tôi tối ưu việc sử dụng thiết bị điện ở văn phòng, nhất là điều hòa nhiệt độ, điện thắp sáng, sử dụng dàn lạnh tiết kiệm điện để chế độ tự động ngắt…”, ông Nguyễn Thế Hưng cho biết.
Bảo đảm hài hòa lợi ích người dân

EVNHANOI tăng cường tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và phòng chống cháy nổ tới khách hàng. Ảnh: Việt Anh.
Theo tính toán của EVN, việc tăng giá điện 4,8% sẽ khiến mỗi hộ gia đình phải trả thêm khoảng 49.250 đến 62.150 đồng/tháng, tùy thuộc vào mức tiêu thụ. Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Đặng Hoàng An chia sẻ: “Để giảm bớt tác động đối với các đối tượng yếu thế nhằm bảo đảm an sinh xã hội, EVN đang duy trì chính sách hỗ trợ hộ nghèo và hộ chính sách. Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ 59.520 đồng/tháng, tương đương 30kWh; hộ chính sách sử dụng không quá 50kWh/tháng cũng được hỗ trợ mức tương tự”.
Dù được giải thích, việc tăng giá điện vẫn gây tâm lý lo lắng cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là vào mùa hè, khi nhu cầu sử dụng điện tăng. Ngoài ra, thực tế nhiều năm qua cho thấy, giá bán lẻ điện tăng sẽ kéo theo việc tăng giá các loại hàng hóa.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Bùi Thanh Thủy cho rằng: “Trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, chi phí đầu vào tăng cao, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết. Tuy nhiên, cần có lộ trình hợp lý, tránh tạo thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Việc tăng giá bán lẻ điện chắc chắn sẽ khiến hóa đơn tiền điện tháng 5 của các hộ gia đình tăng. Bây giờ mới là thời điểm bắt đầu vào mùa nắng nóng, những tháng tiếp theo, người dân sẽ phải trả tiền điện cao hơn nữa”.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cho rằng, cùng với việc đưa ra lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch, phản ánh đúng chi phí, cũng cần có chính sách giảm thiểu tác động xã hội khi điều chỉnh nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu an sinh và cơ chế thị trường.
Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, ngoài áp lực trực tiếp lên người tiêu dùng và doanh nghiệp, việc tăng giá điện còn có thể khiến một số doanh nghiệp lợi dụng để tăng giá sản phẩm một cách thiếu minh bạch.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, các cơ quan chức năng cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ biến động giá cả hàng hóa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chung quan điểm đó, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh việc tăng giá điện cần gắn với thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ yếu thế. Về dài hạn, EVN cần tính toán kỹ để đưa giá điện về đúng cơ chế thị trường.
Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa việc tăng giá điện và an sinh xã hội đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục kiểm soát giá cả chặt chẽ, tránh tình trạng giá điện tăng kéo theo giá tiêu dùng tăng. Đối với người dân và doanh nghiệp, cần nâng cao ý thức tiết kiệm điện, nhất là khi mùa nắng nóng sắp bắt đầu nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của việc tăng giá điện.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tang-gia-dien-tang-noi-lo-702214.html