Tăng giá điện lên hơn 2.200 đồng/kWh từ ngày 10/5
Dự kiến, ngày 10/5 chính thức điều chỉnh tăng giá điện từ 2.103,11 đồng/kWh lên 2.204,06 đồng/kWh. Đó là thông tin được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố tại buổi họp báo chiều 9/5 về công tác điều hành đảm bảo điện.
Theo Quyết định số 599/QĐ-EVN, Tập đoàn đã thông tin về việc điều chỉnh tăng giá điện từ 7/5/2025. Giá bán điện mới là 2.204,06 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

EVN công bố điều chỉnh giá điện từ 10/5. Ảnh: Khắc Kiên
Mức giá này cũng đã được Bộ Công Thương chấp thuận bằng Quyết định số 1279/QĐ-BCT ngày 9/5/2025.
Việc điều chỉnh giá điện được thực hiện theo Nghị định số 72/2025/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/3/2025 quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định 07/2025/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 50 Luật Điện lực 2024 có hiệu lực từ 31/3/2025.
Cụ thể, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) theo Quyết định 07/2025/QĐ-TTg như sau: mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.
Khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất, kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có trách nhiệm tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo quy định của pháp luật, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Tuy nhiên, từ tháng 10/2024 đến nay, mới điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân với mức giá là 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Công nhân truyền tải điện Lâm Đồng (PTC3) kiểm tra đường dây đảm bảo cung cấp điện năm 2025. Ảnh: Khắc Kiên
Tại sự kiện, Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm đã thông tin về lý do tăng giá điện theo quy định của Luật Điện lực đã được thông qua năm 2024; việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến CPI, đời sống người dân và sản xuất kinh doanh; tình hình đảm bảo cung ứng điện với các giải pháp đã được đề ra...
Hiện các công trình, dự án, đường dây đang được EVN nỗ lực thi công để góp phần đảm bảo nguồn cung ứng điện trong giai đoạn mùa Hè.
Theo Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm, để đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của Nhân dân, EVN đã và đang thực hiện theo Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2025, trong đó tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm năm 2025 dự kiến khoảng 12,2%, tổng sản lượng điện toàn hệ thống năm 2025 tăng thêm khoảng 33,6 tỷ kWh so với năm 2024.
Về cơ cấu nguồn điện năm 2025, nguồn thủy điện với giá thành thấp chỉ cung cấp được khoảng 25% sản lượng toàn hệ thống; còn lại 75% sản lượng hệ thống được cung cấp từ các nguồn điện có giá thành cao như nhiệt điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo... Đối với sản lượng điện tăng thêm của hệ thống về cơ bản phải huy động từ các nguồn điện có giá thành cao như: nguồn nhiệt điện chạy dầu, nguồn nhiệt điện tuabin khí hóa lỏng (LNG) và nguồn nhiệt điện than nhập khẩu. Bên cạnh đó, trong thời gian qua tỷ giá ngoại tệ (USD) diễn biến khó lường, tăng cao. Điều này làm ảnh hưởng đến chi phí khâu phát điện, nơi chiếm tỷ trọng khoảng 83% trong giá thành sản xuất điện.
Trong bối cảnh chi phí khâu phát điện có xu hướng tăng cao những năm gần đây, EVN và các đơn vị thành viên đã quyết liệt thực hiện việc tiết giảm, tiết kiệm chi phí với yêu cầu trong năm 2025 tiết kiệm chi phí thường xuyên, sửa chữa lớn phải đạt tối thiểu 10% và phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia vận hành tối ưu hệ thống điện và thị trường điện để đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục.
Về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng, hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng theo chủ trương của Chính phủ.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tang-gia-dien-len-hon-2-200-dong-kwh-tu-ngay-10-5.699252.html