Tăng giá điện từ ngày mai, người dân phải chi thêm tối đa 65.000 đồng mỗi tháng
Từ ngày mai (10/5), áp giá bán lẻ điện bình quân mới ngưỡng hơn 2.200 đồng/kWh, mức tiền điện cao nhất người dân phải chi thêm là 65.050 đồng/hộ/tháng.
Chiều 9/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% từ ngày mai (10/5), lên hơn 2.200 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).
Theo đó, giá điện bậc 1 (cho kWh từ 0-50) tăng từ mức 1.893 đồng/kWh, lên 1.984 đồng/kWh; bậc 2 (cho kWh từ 51-100) tăng từ 1.956,0 đồng/kWh, lên 2.050 đồng/kWh; bậc 3 (cho kWh từ 101-200) tăng từ 2.271 đồng/kWh, lên 2.380 đồng/kWh; bậc 4 (cho kWh từ 201-300) tăng từ 2.271 đồng/kWh, lên 2.380 đồng/kWh; bậc 5 (cho kWh từ 301-400) tăng từ 3.197 đồng/kWh, lên 3.350 đồng/kWh; bậc 6 (cho kWh từ 401 trở lên) tăng từ 3.302 đồng/kWh, lên 3.460 đồng/kWh.

Giá điện tăng 4,8% từ ngày mai (10/5). Ảnh: EVN.
Phải trả thêm tối đa hơn 60.000 đồng/tháng
Với mức giá mới này, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho rằng "đây là mức tăng vừa phải" sau khi đã tính toán tất cả các yếu tố tác động xung quanh.
Theo đó, đối với các hộ sử dụng điện dưới 50 kWh (chiếm 10,55% số hộ sinh hoạt), mức tiền điện tăng thêm khoảng 4.550 đồng/hộ/tháng.
Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 51-100 kWh (chiếm 13,98% số hộ sinh hoạt) , mức tăng tiền điện tăng khoảng 9.250 đồng/hộ/tháng.
Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 101-200 kWh (chiếm 32,79% số hộ sinh hoạt, đang là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tăng tiền điện tăng khoảng 20.150 đồng/hộ/tháng.
- Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện từ 201-300 kWh (chiếm 19,33% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 33.950 đồng/hộ/tháng.
Đối với khách hàng sử dụng điện từ 301-400 kWh (chiếm khoảng 9,89% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 49.250 đồng/hộ/tháng.
Đối với khách hàng sử dụng điện từ 400 kWh trở lên (chiếm khoảng 13,45% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 65.050 đồng/hộ/tháng.
Như vậy, với mức giá mới trên, mức tiền điện cao nhất người dân chi thêm là 60.050 đồng/hộ/tháng.
CPI tăng khoảng 0,09%
Dẫn số liệu đánh giá của Cục thống kê, Bộ Tài chính, lãnh đạo EVN cũng cho biết, việc điều chỉnh giá điện lần này dự kiến làm chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2025 tăng khoảng 0,09%.
Mức tăng này, theo ông Lâm đã cân nhắc trên cơ sở chi phí đầu vào, chi phí biến động và sự chi trả của người dân và doanh nghiệp, để đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội.
Riêng việc hỗ trợ tiền điện cho người nghèo và hộ chính sách xã hội sẽ thực hiện theo Quyết định 28 năm 2014.
Theo đó, các hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện hàng tháng tương đương với lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Đối với các hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng, mức hỗ trợ cũng tương đương với số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Ngoài ra, mức hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách cũng còn áp dụng theo quyết định 2699 năm 2024 của Bộ Công thương, với mức hỗ trợ là 56.790 đồng/hộ/tháng (chưa tính thuế giá trị gia tăng).
Như vậy, nếu áp dụng theo giá mới, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện khoảng 59.520 đồng/hộ/tháng (chưa tính thuế giá trị gia tăng).
Chính sách này nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, giúp đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn.
Theo số liệu thống kê, năm 2024 cả nước có 599.608 hộ nghèo chung và các hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ.
"Về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể", ông Lâm nói.