Tăng giá trị các ngành, lĩnh vực từ bảo tồn và sử dụng bền vững gen

Sáng 29/7, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững gen giai đoạn 2015-2024 và định hướng triển khai giai đoạn 2025-2030.

Đây là cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, thành tựu đạt được, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp, định hướng mới nhằm nâng cao hiệu quả của Chương trình.

Voi nhà được nuôi dưỡng theo hình thức bán hoang dã tại khu rừng thuộc địa bàn xã KRôngNa, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Voi nhà được nuôi dưỡng theo hình thức bán hoang dã tại khu rừng thuộc địa bàn xã KRôngNa, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, thông qua kết quả Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững gen giai đoạn 2015-2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối thực hiện, đã có trên 80.000 nguồn gen đặc hữu, quý, hiếm được bảo tồn, lưu giữ. Đây là nguồn vật liệu vô cùng quý, phục vụ cho công tác chọn tạo, lai tạo các giống mới có năng suất, chất lượng tốt hơn, giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đã đánh giá ban đầu được gần 56.000 nguồn gen; nhiều nguồn gen được khai thác và ứng dụng trong sản xuất, đời sống như sâm ngọc linh, tôm mũ ni, cá hô, lúa bản địa chất lượng cao, cây vù hương, lợn ỉ... góp phần nâng cao giá trị gia tăng của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành nông nghiệp.

Cũng theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, đối tượng của Chương trình là các nguồn gen sinh vật sống nên công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục. Vì vậy, việc xây dựng hành lang pháp lý để tiếp tục triển khai Chương trình trong giai đoạn tiếp theo, không để gián đoạn là cấp thiết.

Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, theo xu hướng, Việt Nam hướng tới thúc đẩy phát triển nền kinh tế nền tảng sinh học, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã cho thấy tầm quan trọng và vai trò của nguồn gen bản địa trong phát triển kinh tế - xã hội dựa trên thế mạnh phát triển nông nghiệp và đa dạng nguồn gen bản địa. Do vậy, triển khai Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững gen giai đoạn 2025-2030 cần tiếp tục ưu tiên phát triển nghiên cứu cơ bản chuyên sâu về nguồn gen (số hóa nguồn gen theo chuẩn quốc tế, duy trì bảo tồn, đăng ký sở hữu trí tuệ…) kết hợp với nghiên cứu truyền thống trên các nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật học.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đánh giá các kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế về cơ chế chính sách, công tác quản lý, công tác chuyên môn từ các Bộ, ngành, địa phương, các viện, trường, doanh nghiệp và các nhà khoa học tham gia thực hiện Chương trình trong thời gian vừa qua. Đồng thời, đề xuất các giải pháp, các cơ chế chính sách để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai công tác bảo tồn, đánh giá, khai thác và phát triển nguồn gen sinh vật; định hướng khoa học và công nghệ trong bảo tồn, đánh giá, khai thác và phát triển nguồn gen sinh vật đến năm 2030.

Thu Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/tang-gia-tri-cac-nganh-linh-vuc-tu-bao-ton-va-su-dung-ben-vung-gen-20240729124817193.htm