Tăng giá trị cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Muốn đột phá phải bắt đầu từ mẫu mã, bao bì
Thủ công mỹ nghệ là ngành có giá trị gia tăng cao, tạo nhiều việc làm cho lao động khu vực nông thôn.
Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015 - 2022 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỷ USD (2015) lên đến gần 3 tỷ USD (2021) và giảm xuống khoảng 2,4 tỷ USD (năm 2022) do tác động của suy giảm kinh tế, các diễn biến địa chính trị.
Đồng thời đây còn là nhóm hàng có tỷ suất lợi nhuận cao. Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành hàng này mang lại lợi nhuận gấp từ 5 đến 10 lần so với các ngành khác. Chưa kể các làng nghề thủ công mỹ nghệ trên cả nước đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Hạn chế đến từ ưu điểm kéo dài quá lâu
Chính vì những lợi thế này mà lâu nay, câu chuyện mẫu mã thiết kế, bao bì cho sản phẩm được nhắc đến, nhưng không được quan tâm nhiều, nguyên nhân đa phần do sự phản biện từ chính những người làm nghề: Lý do gì phải thay đổi, vì thay đổi là tốn kém - ai sẽ chịu trong khi gia đình tôi/doanh nghiệp của tôi vẫn làm ăn được. Khách hàng có phàn nàn gì đâu?
Và từ tình trạng trên dẫn đến một con số đáng suy nghĩ: Hiện có tới 90% số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài và sử dụng nhãn mác của khách hàng. Chính vì vậy, tại hội chợ, triển lãm về hàng thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước, mọi người khó tránh khỏi cảm giác đơn điệu, nhàm chán vì bao nhiêu năm vẫn những mẫu mã ấy: Tranh tứ linh, tranh tứ quý (đối với ngành khảm trai, sơn mài); hạc đồng, đỉnh đồng (ngành đúc đồng); sập gụ, tủ thờ, hoành phi, câu đối (ngành mộc mỹ nghệ, chạm khắc gỗ); chụp đèn, bàn ghế (ngành mây tre đan)…
Không khó để nhận thấy, hiện nay, phần lớn các sản phẩm làng nghề vẫn được sản xuất theo mẫu mã cũ. Mặc dù một số sản phẩm cũng được thay đổi, cải tiến nhưng nhìn chung, hình thức, mẫu mã của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề còn chậm cải tiến, đổi mới, đột phá để theo kịp với thị hiếu tiêu dùng hiện đại. Nhiều hộ sản xuất chưa coi trọng việc thiết kế cải tiến mẫu mã, có những thiết kế mẫu mã thiếu sáng tạo, đơn điệu, không phù hợp thị hiếu khách hàng nên khó ứng dụng trong sản xuất. Thảng hoặc, một số sản phẩm có thiết kế khá cầu kỳ, tỷ mỉ để phục vụ trưng bày tại một sự kiện nào đó nhưng thiếu tính thương mại, giá thành cao nên rất khó ứng dụng sản xuất hàng loạt.
Mặt khác, các họa sĩ, nhà thiết kế chuyên nghiệp cũng ít quan tâm tới việc thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ngoài những doanh nghiệp làng nghề có đơn đặt hàng thiết kế.
Một thực tế nữa, ở các làng nghề số lượng nghệ nhân tài hoa, hiểu sâu về kỹ thuật, kỹ xảo nghề truyền thống không có nhiều. Lớp nghệ nhân cao tuổi sức yếu, hạn chế về khả năng nắm bắt thị hiếu, thị trường, luôn có xu hướng lệ thuộc vào các mẫu mã truyền thống. Còn những người trẻ lại có xu hướng sao chép mẫu sẵn có, chỉ thay đổi, thêm thắt chút ít... Hậu quả là sản phẩm vừa không có tính truyền thống đã đành, mà hiện đại cũng không tới.
Cần thay đổi sự bao biện trong tư duy
Tại Hội thảo “Tư vấn nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ tăng sức cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu” tháng 7 vừa qua, một chuyên gia nêu ra thực trạng: khách du lịch tới Việt Nam chỉ tiêu có 15 USD mua hàng thủ công mỹ nghệ còn 85 USD là mua các sản phẩm khác khi lựa chọn quà lưu niệm mang về.
Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, những hạn chế về mẫu mã thiết kế, bao bì sản phẩm thủ công mỹ nghệ của ta bắt nguồn từ tâm lý ngại thay đổi, ngại đầu tư dài hơi. Và từ tâm lý này dẫn tới lý lẽ tự bao biện "tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Nhưng nhìn rộng ra các nước trong khu vực, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của họ đã có bước phát triển rất nhanh chóng, không chỉ đẹp, tinh xảo, trang nhã về tay nghề, họ còn đầu tư rất nhiều cho thiết kế mẫu mã, bao bì để vừa hấp dẫn, thuận tiện cho du khách vừa đảm bảo các giá trị văn hóa đặc trưng.
Một chuyên gia của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hàng năm Cục đều trực tiếp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức các hoạt động nhằm tìm giải pháp nâng cao giá trị của ngành hàng thủ công mỹ nghệ. Trong đó, khâu thiết kế, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, định vị thương hiệu là chủ đề rất được chú trọng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hiệu quả vẫn chưa đạt như mong muốn.
Từ những thực tế trên, ngay từ thời điểm này, doanh nghiệp làng nghề cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thiết kế cải tiến mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức các hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mỹ thuật ứng dụng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP… Qua đó, vừa khuyến khích sáng tạo mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vừa lựa chọn được nhiều sản phẩm đẹp để áp dụng trong sản xuất.
Một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nước trong khu vực
"Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016) đã xác định thủ công mỹ nghệ là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam cần ưu tiên phát triển. Như vậy, để thủ công mỹ nghệ trở thành “mũi nhọn” của ngành công nghiệp văn hóa phải có những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy thì mới có thể tạo đột phá.