Tăng giá vật liệu, cao tốc Bắc - Nam khó về đích

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến nay, lũy kế khối lượng xây lắp thực hiện tại dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 đạt khoảng hơn 16.800 tỉ đồng, tương đương gần 30% giá trị các hợp đồng. Trong đó, dự án thành phần đoạn Cao Bồ-Mai Sơn đã hoàn thành, thông xe từ cuối năm 2021.

Năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu có 4/10 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 phải về đích, tương đương với việc phải hoàn thành 361km đường cao tốc. Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng giá, liên tục thiết lập mặt bằng giá mới, việc hoàn thành mục tiêu này đang là thách thức lớn đặt ra.

THI CÔNG CAO TỐC BẮC NAM BỊ ẢNH HƯỞNG VÌ VẬT LIỆU XÂY DỰNG TĂNG GIÁ

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, thị trường vật liệu xây dựng ghi nhận nhiều loại tăng giá chóng mặt. Trong đó phổ biến như sắt, thép, xi măng, cát xây dựng... đã tăng giá khoảng 10 - 20% so với thời điểm cuối năm 2021. Riêng giá thép đã tăng 7 lần, tổng mức tăng đến 2,4 triệu đồng/tấn, tăng từ 16,5 – 17 triệu đồng/tấn lên hơn 19 triệu đồng/tấn.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của thị trường thế giới, giá xăng dầu trong nước cũng liên tục tăng và thiết lập các mặt bằng giá mới. Thực tế này khiến các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đang đứng ngồi không yên. Tại nhiều gói thầu, chi phí tăng lên hàng trăm tỷ đồng so với thời điểm ký hợp đồng. Nhà thầu nguy cơ thua lỗ, tiến độ dự án bị ảnh hưởng.

Những khó khăn về diễn biến giá nguyên vật liệu, đất đắp, và một số nguyên nhân chủ quan từ phía nhà thầu đã và đang cản trở đối với việc thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam hiện nay.

Tỉnh Thanh Hóa có 3 gói thầu đi qua địa bàn tỉnh với tổng chiều dài 98km. Theo tính toán, đối với 3 dự án này, nhu cầu sử dụng đất đắp là khoảng 12 triệu khối. Trên địa bàn tỉnh, hiện 27 mỏ đang được cấp phép chỉ có thể đáp ứng được 3 triệu khối. Áp dụng Nghị quyết 60 và 133 của Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời đưa vào 5 mỏ và nâng công suất khai thác cho các nhà thầu thực hiện dự án. Mặc dù nguồn cung không thiếu, nhưng giá cả đất đắp đến chân công trường lại tăng mạnh.

Ông PHẠM VĂN HOÀNH - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa: Qua nắm bắt tại mỏ, các giá cả đất đắp tăng không đáng kể vì các chi phí đã cố định, tôi đi khảo sát thì các mỏ chỉ bán được khoảng 37-38 nghìn đồng/ khối. Tuy nhiên, giá tại chân công trình lại tăng do nhiều lí do, do giá xăng dầu, chi phí vận chuyển tăng”.

Theo Bộ Xây dựng, tình trạng thiếu đất đắp vẫn chưa được khắc phục tại nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc liên quan đến thủ tục cấp mỏ, mở rộng khai thác vật liệu đắp nền. Thậm chí, nhiều địa phương còn có dấu hiệu đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Ông LÊ QUANG HÙNG - Thứ trưởng Bộ Xây dựng: “Gía cả vật liệu trong nước, ngoài trường hợp loại trừ do đầu cơ và có thổi giá, chúng tôi sẽ đề nghị các địa phương công bố giá hàng tháng cập nhật kịp thời”.

Ở một số công trường, xăng dầu tăng giá, nhiều nguyên vật liệu như sắt thép, xi măng,…cũng tăng theo. Đối mặt với những khó khăn khi giá các nguyên liệu cốt lõi tăng mạnh, đơn vị thi công đang tính đến phương án bù giá, tuy nhiên, đây cũng chưa phải là phương án đảm bảo an toàn tài chính.

Anh NGUYỄN VĂN LÂM - Chỉ huy trưởng Công ty Vimeco- gói thầu Số 3, Dự án Quốc lộ 45- Nghi Sơn: Bây giờ đang rất khó khăn, xăng dầu tăng giá, các đơn vị vận chuyển đang chờ giá giảm, hiện vận chuyển hết sức cầm chừng".

Anh LÊ VĂN QUỐC - Phụ trách gói thầu 14 – đơn vị Trung Nam EC, Dự án Mai Sơn- Quốc lộ 45: Hiện nay, BQL đang chỉ đạo nhà thầu tính phương án bù giá, tính theo đơn giá của địa phương, tuy nhiên với tình hình hiện nay, chúng tôi hết sức áp lực vì bù giá chưa sát với mức tăng giá. Như Thanh Hóa thì 3 tháng, 1 quý mới tính trượt giá 1 lần mà giá cả tăng hằng tuần”.

Còn theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện các đơn vị đã rà soát biến động giá cả nguyên vật liệu tại các gói thầu để có báo cáo lên Bộ GTVT và các cơ quan liên quan.

Ông LÊ ĐÌNH THỌ - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Với những biến động về giá cả hiện nay, chúng tôi cũng yêu cầu tập hợp lại, những giá thuộc thẩm quyền hay vượt thẩm quyền đều phải đưa ra phương hướng giải quyết tháo gỡ cho các nhà thầu thi công. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là động viên và cũng là những chia sẻ trong lúc khó khăn".

Trung bình, các gói thầu của dự án cao tốc Bắc Nam đều tính chi phí dự phòng 5-6% cho phần trượt giá. Tuy nhiên, thực tế, phần trượt giá có nguy cơ không đủ, phải cân đối lại từ chi phí dự phòng của cả dự án.

Làm thế nào để quyết tâm của Chính phủ và các đơn vị thi công trong việc đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình quan trọng này sẽ không thất hứa với nhân dân? Trong chương trình Diễn đàn Kinh tế phát sóng cách đây không lâu, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN ĐỨC KIÊN- Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và ông TRẦN CHỦNG- Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) về nội dung này. Mời quý vị và các bạn theo dõi những giải pháp được 2 vị khách mời đưa ra.

Thực hiện : Nguyễn Duyên - Trương Tùng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tang-gia-vat-lieu-cao-toc-bac-nam-kho-ve-dich