Tăng hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp
Những năm qua, nông nghiệp luôn khẳng định vai trò là 'trụ đỡ' của nền kinh tế. Để tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, ngành chức năng cùng các địa phương trong tỉnh THái Nguyên đã và đang đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất.
Văn Hán là một trong những xã có diện tích trồng chè lớn nhất của huyện Đồng Hỷ. Với mục tiêu chuyển dần từ canh tác truyền thống sang ứng dụng KHKT vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, giá trị kinh tế của cây chè, xã đã phối hợp với ngành Nông nghiệp triển khai các mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất chè.
Ông Lường Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hán, cho biết: Việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, khiến đất bị chai cứng, biến đổi dinh dưỡng, gây thoái hóa đất, giảm năng suất cây chè. Chính vì thế, để thay đổi thói quen này của người dân, mấy năm gần đây chúng tôi đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện, tỉnh triển khai các mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và mô hình quản lý sức khỏe cây trồng trên cây chè.
Đến nay, xã Văn Hán đã có 175/1.000ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và diện tích chè theo các tiêu chuẩn này ngày càng tăng khi người dân nhận thấy hiệu quả mà nó đem lại. Chị Dương Thị Thanh, ở xóm Hòa Khê 1, cho biết: Sau khi tham gia lớp tập huấn về mô hình quản lý sức khỏe cây trồng trên cây chè (tháng 4-2024), tôi đã áp dụng vào sản xuất trên 3 sào chè của gia đình. Qua một thời gian áp dụng cho thấy, năng suất tăng hơn so với canh tác theo phương thức truyền thống khoảng 10kg chè búp tươi/sào, còn về phân bón thì giảm được hơn 100 nghìn đồng/sào/lứa; giá mỗi kg chè tươi cũng cao hơn từ 5-10 nghìn đồng do được sản xuất theo hướng hữu cơ.
Cùng với việc triển khai mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tại xã Văn Hán, từ năm 2021 đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện 368 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng KHKT trong nông nghiệp, trong đó, có 218 mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ KHKT; 40 mô hình hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 10 mô hình hỗ trợ phát triển cơ giới hóa, phát triển kinh tế tập thể; còn lại là các mô hình hỗ trợ sản xuất an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP trong trồng trọt, chăn nuôi.
Trong đó, một số mô hình tiêu biểu như: mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ trên diện tích 65ha; mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ sản xuất na rải vụ với 3ha ở huyện Võ Nhai; 60 mô hình ứng dụng đệm lót sinh học xử lý môi trường trong chăn nuôi; mô hình cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên diện tích 3.745ha rừng…
Từ thực tế cho thấy, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp đã đem lại nhiều hiệu quả như: giúp tiết kiệm chi phí; hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản; bảo vệ môi trường; đáp ứng được nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản…
Ông Triệu Văn Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Xác định việc đẩy mạnh ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp là yếu tố quan trọng để hướng tới sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, do đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai các mô hình chuyển giao KHKT cho người dân. Trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về KHKT; tăng cường tập huấn để mỗi người dân có thể làm chủ được khoa học - công nghệ khi áp dụng vào sản xuất; khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho các hộ dân, hợp tác xã, tổ hợp tác khi triển khai ứng dụng KHKT…