Tăng 'hệ miễn dịch tinh thần' cho giới trẻ
Vừa qua, Nhà xuất bản Oxford (Anh) đã chọn thuật ngữ 'brain rot' (thối não) làm 'từ của năm 2024'. Diễn giải một cách khoa học, cụm từ 'thối não' chỉ sự suy giảm tập trung, tư duy và trí tuệ do việc tiêu thụ quá mức nội dung (đặc biệt là nội dung trực tuyến) tầm thường, nhảm nhí, được xem là 'rác văn hóa'.

Hóng drama quá mức gây ra tình trạng “thối não” cho người dùng mạng xã hội
Báo cáo “Cuộc sống số của người Việt Nam” của Q&Me cho thấy, 51% bạn trẻ trong độ tuổi 18-29 tuổi dành trên 3 giờ/ ngày để sử dụng mạng xã hội.
Còn báo cáo điều tra về thanh thiếu niên Việt Nam năm 2024 của Viện Nghiên cứu thanh niên cũng ghi nhận xu hướng đáng lo ngại: Thay vì vận động thể chất, đọc sách hay giúp đỡ gia đình, nhiều em lại ưu tiên thời gian rảnh để “cày” video trên Facebook, YouTube hay TikTok…
“Thối não” vì “rác văn hóa”
Không thể phủ nhận, mạng xã hội đã và đang trở thành “kênh thông tin quốc dân”. Tuy nhiên, sự bùng nổ của các nền tảng đã thay đổi “khẩu vị” tiêu thụ thông tin của rất nhiều người.
Tưởng rằng dễ dàng tiếp cận tri thức, thế nhưng, cư dân mạng lại mải mê “nuốt chửng” đủ loại nội dung nhảm nhí, giật gân, từ scandal tình ái xuyên biên giới đến những màn livestream bóc phốt, đấu tố lẫn nhau, ồn ào như “chợ vỡ”.
Nào là lùm xùm Quang Linh Vlog - Hằng Du Mục - Hoa hậu Thùy Tiên quảng cáo sai sự thật; đến drama tình ái từ tận xứ Kim chi giữa tài tử Kim Soo Hyun và cố diễn viên Kim Sae Ron; nào ồn ào “bắt cá mấy tay” giữa streamer ViruSs, TikToker Ngọc Kem, rapper Pháo; đến 16,7 tỉ đồng tiền từ thiện giữa Phạm Thoại và mẹ bé Bắp… những câu chuyện “trên trời rơi xuống” ấy vẫn ngày ngày trở thành mồi ngon cho giới “sáng tạo nội dung” giật tít, câu view, còn cư dân mạng thì bàn tán om xòm ngày này qua ngày khác không hết chuyện…
Khi tiếp nhận thông tin mà không phân tích, không sử dụng tư duy phản biện, thế hệ trẻ đang vô tình trở thành “nạn nhân” của một nền văn hóa giải trí hời hợt và nông cạn.
Dưới lớp vỏ hào nhoáng, “rác văn hóa” lặng lẽ xâm nhập, từ từ đầu độc tâm trí, làm suy yếu khả năng tư duy độc lập. Mỗi lần xem là một lần não bộ bị “tấn công” bởi những thông tin phi logic, lệch chuẩn và đầy tiêu cực.
Dần dần, thói quen tiếp nhận thụ động hình thành, khiến người xem lười suy ngẫm, chỉ biết tin vào những gì được đẩy mạnh và gật đầu theo sự điều hướng của mạng xã hội.
Những giá trị sống lành mạnh không còn chỗ đứng khi phần lớn thời gian bị chiếm lĩnh bởi drama, scandal và các clip phản cảm, tạo ra một không gian đầy tiêu cực, khiến cư dân mạng quên đi giá trị thật sự của cuộc sống.
Tệ hơn, nhiều người rơi vào trạng thái mụ mị, tưởng đang cập nhật liên tục nhưng thực chất là sống trong ảo giác thông tin. Họ dễ dàng bị thao túng, mất khả năng phân biệt đúng sai, từ đó, những hoạt động nghiêm túc, có chiều sâu như đọc sách, học tập,… lại bị xem là nhàm chán.
Điều đáng lo ngại, tỷ lệ người dùng mạng xã hội đang ngày càng trẻ hóa, trong đó có rất nhiều trẻ em đã trở thành “con mồi béo bở” của những kẻ sản xuất nội dung rác, độc hại.
Làm chủ nội dung và lan tỏa những giá trị tử tế
Giữa một biển nội dung đa dạng, điều giới trẻ cần là một “hệ miễn dịch tinh thần” đủ vững để nhận diện và chống lại những tác nhân đang âm thầm bào mòn nhận thức và cảm xúc.
Tuy nhiên, trong thế giới số, nội dung tử tế và giàu tính nhân văn vẫn luôn hiện diện, như những ngọn đuốc sáng giữa biển thông tin hỗn loạn.
Khoảnh khắc một bạn trẻ tặng phần cơm cho người lao động, hay hình ảnh những tấm lòng ấm áp mang bữa tối cho người vô gia cư vào đêm khuya, đã lan tỏa sức mạnh kỳ diệu, đánh thức lòng trắc ẩn vốn đang ngủ quên trong mỗi chúng ta, đồng thời tiếp thêm động lực để sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng.
Song song đó, những sản phẩm nghệ thuật đầy cảm hứng như MV Bắc Bling của Hòa Minzy hay Xẩm Hà Nội của Hà Myo, đã chứng minh rằng nội dung tích cực, giàu giá trị văn hóa hoàn toàn có thể được ưu tiên, miễn là chúng được sáng tạo bằng tâm huyết và trí tuệ.
Tuy nhiên, để những điều tốt đẹp không bị “chìm” giữa đại dương tiêu cực, mỗi cá nhân cần chủ động tham gia, mỗi cú like, chia sẻ hay bình luận tích cực đều là hành động lan tỏa mạnh mẽ điều tử tế. Ngược lại, sự im lặng hay thờ ơ sẽ vô tình tạo cơ hội cho cái xấu chiếm lĩnh bởi sự ồn ào và hấp dẫn tức thời.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), giới trẻ cần biết lựa chọn thông tin một cách có ý thức, chủ động bỏ theo dõi những tài khoản tiêu cực và tìm kiếm các nội dung tích cực, giáo dục hoặc truyền cảm hứng.
Không chỉ trong thế giới ảo, các em còn cần tìm lại sự cân bằng trong đời sống qua các hoạt động thể chất, giao tiếp xã hội và sở thích cá nhân. Những trải nghiệm đó sẽ duy trì sự kết nối với giá trị đích thực, giúp kháng lại sự giả tạo thường thấy trên không gian mạng.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng một môi trường văn hóa sáng tạo cho thanh niên, giúp thế hệ trẻ phát huy sức mạnh, phát triển nhận thức về chân - thiện - mỹ, là nền tảng để nâng cao hiểu biết về đạo đức, pháp luật và xã hội.
Giữa dòng chảy thông tin đa dạng, mỗi bạn trẻ cần học cách đứng vững, xây dựng một hệ miễn dịch tinh thần vững chắc. Không chỉ là người tiêu dùng nội dung, hãy trở thành người nuôi dưỡng điều tử tế, để mạng xã hội không chỉ là nơi giải trí, mà còn là không gian của cảm hứng, nhân văn và giá trị sống đích thực.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/tang-he-mien-dich-tinh-than-cho-gioi-tre-127676.html