Tăng hiệu quả với vận tải đa phương thức

Việc hình thành hệ thống vận tải đa phương thức với đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển đáp ứng được nhu cầu vận chuyển khối lượng lớn, giảm chi phí, bảo đảm tốt hơn an toàn giao thông, bảo vệ môi trường.

Hàng hóa từ các khu công nghiệp theo đường bộ đến cảng thủy nội địa, sau đó theo đường thủy đến cảng biển và ngược lại, tạo thuận lợi cho xuất, nhập khẩu. Với phương thức vận tải này không chỉ giúp tăng hiệu quả logistics (công tác kho vận, hậu cần) mà còn thúc đẩy thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế.

Giải pháp cho vận tải xanh, tiết kiệm chi phí

Vào cuối tháng 3-2023, cảng cạn (ICD) Tân cảng Quế Võ (Bắc Ninh) chính thức đưa vào khai thác, trở thành điểm trung chuyển quan trọng, góp phần hoàn thiện hành lang vận tải của khu vực phía Bắc. Với vị trí đắc địa nằm sát Quốc lộ 18, kết nối với trục đường Hà Nội-Hải Dương-Quảng Ninh-Hải Phòng, đồng thời, nằm trên tuyến đường thủy từ Bắc Ninh đến Hải Phòng, ICD Tân cảng Quế Võ không chỉ thuận lợi cho vận tải đường bộ mà còn dễ dàng vận chuyển hàng hóa qua đường thủy. Thông qua ICD Tân cảng Quế Võ, hàng hóa ở khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội sẽ được chuyên chở đến các cảng biển tại khu vực Hải Phòng. Cảng cạn này cũng là địa điểm thông quan cho hàng hóa xuất, nhập khẩu với đầy đủ chức năng và có dịch vụ hải quan, soi chiếu.

 Vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thông qua cảng cạn Tân cảng Quế Võ (Bắc Ninh). Ảnh: BẢO LINH

Vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thông qua cảng cạn Tân cảng Quế Võ (Bắc Ninh). Ảnh: BẢO LINH

Với quy mô 10ha, 650m cầu tàu, tiếp nhận được sà lan trọng tải tối đa 160Teu (mỗi Teu tương đương 1 container 20fit); ICD Tân cảng Quế Võ là cảng cạn hiện đại nhất khu vực phía Bắc hiện nay. Trung tá Trần Văn Cường, Giám đốc ICD Tân cảng Quế Võ, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (Quân chủng Hải quân) cho biết: "Hàng hóa từ cảng sẽ được vận chuyển bằng sà lan với đội sà lan hơn 150 chiếc, tổng sức chở gần 10.000Teu. Giải pháp này sẽ tối ưu hóa logistics, tiết kiệm thời gian giao nhận hàng và chủ động kế hoạch sản xuất cho doanh nghiệp. Cùng với đó, giảm 15-30% chi phí so với vận tải đường bộ; tiết kiệm thêm 250.000 đồng cho một container 40fit từ Hải Phòng đi Bắc Ninh và ngược lại. Vận tải sà lan còn đem lại lợi ích môi trường khi cắt giảm đến 75% lượng khí thải so với vận tải đường bộ; giải tỏa áp lực giao thông đường bộ trên các tuyến từ một số địa phương khu vực phía Bắc đến Hải Phòng".

Theo bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh: Hoàn thiện hệ thống giao thông, hướng đến tập trung vào vận tải xanh sẽ góp phần giải quyết bài toán khó về phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Bắc Ninh là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất cả nước với nhiều chỉ tiêu quan trọng nằm trong nhóm dẫn đầu, như: Kim ngạch xuất, nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài... Sản lượng vận tải của tỉnh cũng tăng nhanh trong thời gian qua, tập trung chủ yếu là đường bộ, đường thủy. Là trung tâm sản xuất công nghiệp của cả nước, quan tâm phát triển dịch vụ vận tải, logistics được tỉnh Bắc Ninh xác định là chiến lược quan trọng, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, tiếp tục phát huy ưu thế, tiềm năng trong thu hút đầu tư.

Hình thành các tuyến vận tải huyết mạch

Tuyến đường thủy qua sông Đuống, sông Kinh Thầy, sông Cấm là một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất của khu vực phía Bắc. Tuyến đường thủy này liên kết chặt chẽ với địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và TP Hà Nội, nơi có hàng chục khu công nghiệp, chiếm đến 65% tổng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu ở khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, gánh nặng vận chuyển hàng hóa vẫn đang dồn lên hệ thống đường bộ. Theo ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải): Mỗi năm chỉ trung bình 1,6% hàng hóa container đi bằng đường thủy đến cảng biển ở Hải Phòng. Khu vực phía Bắc có lợi thế lớn về tự nhiên để phát triển đường thủy nhưng chưa được khai thác, phát huy hết tiềm năng. Vận tải thủy có nhiều ưu điểm, giá rẻ, chuyên chở khối lượng lớn, 1 sà lan đi bằng đường thủy có thể chở lượng hàng hóa tương đương với 100 xe tải. Đẩy mạnh khai thác vận tải thủy giúp giảm lượng phát thải, giảm ách tắc giao thông, hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông đường bộ.

Vận chuyển container hàng hóa tại cảng biển ở Hải Phòng. Ảnh: TRỌNG HẢI

Vận chuyển container hàng hóa tại cảng biển ở Hải Phòng. Ảnh: TRỌNG HẢI

Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhu cầu vận tải cũng tăng cao và dự báo sẽ vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống đường bộ hiện tại. Những năm gần đây, xu hướng vận chuyển hàng hóa bằng container ngày càng gia tăng. Hiện nay, hàng hóa vận chuyển bằng container chiếm khoảng 70% tổng lượng hàng hóa qua cảng biển ở Hải Phòng. Sử dụng container trong vận tải chứng minh hiệu quả cao, là cơ sở để thúc đẩy hơn nữa vận tải đa phương thức với sự tham gia của nhiều loại hình vận tải như tàu biển, ô tô, tàu hỏa và phương tiện thủy nội địa. Đối với phát triển hệ thống vận tải đa phương thức, đường thủy được xác định là trọng tâm, có vai trò quan trọng hàng đầu. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang đề xuất xây dựng tuyến đường thủy mẫu Bắc Ninh-Hải Phòng, xuất phát từ thị xã Quế Võ (Bắc Ninh), không chỉ phục vụ khu vực Bắc Ninh mà còn nhiều địa phương như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.

Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định 9 hành lang vận tải thủy của cả nước, trong đó có 1 hành lang ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Ở khu vực phía Bắc có 4 hành lang gồm Quảng Ninh-Hải Phòng-Hà Nội, Quảng Ninh-Hải Phòng-Ninh Bình, Hà Nội-Nam Định-Ninh Bình và Hà Nội-Việt Trì-Lào Cai. Cùng với đó là 4 hành lang ở khu vực phía Nam: TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ-Cà Mau, TP Hồ Chí Minh-An Giang-Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu - Tây Ninh - TP Hồ Chí Minh và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia. Trên mỗi hành lang có các tuyến vận tải chính và một số tuyến nhánh.

Hình thành 9 hành lang vận tải thủy kết hợp với các loại hình vận tải khác kết nối đến các điểm trung chuyển quốc tế như cảng biển, cảng hàng không là định hướng để phát triển GTVT đồng bộ, toàn diện. Về nguồn lực, Bộ GTVT xác định sẽ tập trung xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, luồng tuyến. Thu hút nguồn vốn tư nhân đầu tư cảng, bến, phương tiện với phương châm đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích để hình thành các doanh nghiệp, tập đoàn vận tải lớn, giúp khai thác tối đa năng lực của hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của người dân, xã hội.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tang-hieu-qua-voi-van-tai-da-phuong-thuc-725824