Tăng kiểm soát, giảm thực phẩm bẩn

Liên tiếp những tuần qua, các cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện hàng chục tấn thực phẩm bẩn (chủ yếu là thịt, nội tạng của heo, bò, gà không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối), thậm chí có cả thịt heo chết do bị bệnh dịch tả heo châu Phi đang chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán 2022.

Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, mua bán, giết mổ động vật dịp Tết Nguyên đán 2023 góp phần rất quan trọng trong việc ngăn chặn một lượng lớn thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) ra thị trường.

Đồng Nai là một trong những “thủ phủ” chăn nuôi heo, gà của cả nước. Bên cạnh những trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm làm ăn uy tín, chất lượng, vẫn còn không ít cá nhân, cơ sở chuyên thu mua heo, gà chết, bệnh để giết mổ, cấp đông, phân phối ra các quán ăn trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Vì lợi nhuận, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh này tìm đủ mọi cách để đưa thực phẩm ra thị trường thông qua các đầu mối buôn bán nhỏ, lẻ tại các chợ tự phát; quảng cáo, rao bán trên các trang mạng xã hội…

Do đó, để ngăn thực phẩm bẩn ra thị trường, cần kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, bảo quản, vận chuyển đến phân phối, mua bán thực phẩm. Việc kiểm tra, kiểm soát cần triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở và phải thực hiện thường xuyên, liên tục, chứ không riêng dịp lễ, Tết. Trong dịp cuối năm 2022 cần tập trung kiểm tra những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội như: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt…; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó, chú trọng những cơ sở có dấu hiệu vi phạm về bảo đảm ATTP. Qua đó, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm các quy định về vệ sinh ATTP, thậm chí xử lý hình sự đối với các vi phạm nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài ra, ngành chức năng cần quyết liệt hơn trong việc tăng cường công khai các cơ sở vi phạm, sản phẩm thực phẩm không bảo đảm ATTP để người dân biết, lựa chọn thực phẩm an toàn. Đồng thời, cần công bố đường dây nóng để người dân báo tin khi phát hiện thực phẩm bẩn cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP.

Song song đó, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác truyền thông về các quy định, kiến thức về ATTP cho người người tiêu dùng, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc lựa chọn, sản xuất thực phẩm sạch; tránh mua bán, chế biến, sản xuất thực phẩm bẩn, không đảm bảo ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đặng Ngọc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202212/tang-kiem-soat-giam-thuc-pham-ban-3150025/