Tăng lãi suất, cơ hội cho những người mua nhà ở thực
Theo các chuyên gia, khi lãi suất tăng, người mua nhà nếu không phải đi vay thì nên mua, còn nếu mua trả góp cần tính toán lãi suất về lâu dài.
Nhiều chuyên gia cho hay, các ngân hàng thương mại đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022. Vì vậy, khả năng tăng lãi suất cho vay để giữ đà tăng trưởng lợi nhuận là điều khó tránh. Điều này cũng khiến việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng để mua nhà của người dân càng hạn chế…
Mặc dù mặt bằng lãi suất hiện đang nhích lên trước áp lực từ thị trường thế giới, nhưng đây lại là cơ hội của những người mua nhà ở thực, có tiềm lực tài chính.
Đây là những đánh giá được các khách mời tham gia chương trình Landshow - Lăng kính nhà đất được phát sóng vào tối thứ Năm hàng tuần trên các nền tảng số của VTVMoney.
Có thể thấy, sau giai đoạn lãi suất được điều chỉnh giảm mạnh trong năm 2021 do những tác động của dịch bệnh, lãi suất được điều chỉnh tăng những ngày qua được các thành viên thị trường đánh giá là diễn biến bình thường. Với mức điều chỉnh tăng 1 điểm % các lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất trên thị trường cũng chỉ dao động quanh mức trước đại dịch Covid-19.
Bà Hồ Thị Thu Mai, nhà đầu tư, đánh giá: "Nếu như lãi suất tăng trên 20% như năm 2011 thì thực sự khó khăn thật, nhưng hiện lãi suất cũng chưa có gì đột biến. Lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng tăng, nhưng hiện vẫn đang ở mức chấp nhận được. Nếu bất động sản tốt và hiếm thì vẫn là của tốt".
Theo nhận định của ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc điều hành - Công ty CP Kim Long Land: "So với lãi vốn của bất động sản thì lãi suất nhích vài điểm % không đáng bao nhiêu cả. Còn trên góc độ của chủ đầu tư, về cơ bản chúng ta mặc định chủ đầu tư có tỷ lệ lợi nhuận rất cao. Như vậy, tăng vài điểm % không phải vấn đề. Nhưng vấn đề ở thị trường hiện nay đối với cả nhà đầu tư cá nhân và các doanh nghiệp đầu tư bất động sản đó là tiếp cận nguồn vốn như thế nào, có được giải ngân hay không".
Từ kinh nghiệm của mình, các khách mời của Landshow cho rằng, sự điều chỉnh lãi suất có thể khiến một số phân khúc buộc phải bán ra do trước đó đã sử dụng vốn vay để đầu tư. Tuy nhiên đây chính là cơ hội của những người mua ở thực, nhưng cũng cần phải tính toán mức lãi suất lâu dài, phù hợp với khả năng tài chính.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho hay: "Họ mời gọi khách hàng đến vay tiền mua nhà ở với lãi suất khởi đầu 0% cho 6 tháng, thậm chí cho 1 năm, nhưng sau đó lãi suất lại được điều chỉnh. Cách tính như thế này là một loại lãi suất thả nổi, vì sau 1 năm, lãi suất huy động trên thị trường sẽ thay đổi. Lãi suất thả nổi như này rất khó khăn cho người mua nhà vì lãi suất tăng lên họ phải chịu chi phí tài chính cao lên".
Còn về dài hạn, các khách mời cho rằng, bước sang năm 2023, khi có room tín dụng mới sẽ giúp thị trường bất động sản sôi động hơn so với hiện tại. Dòng tiền mới sẽ giúp thị trường có thêm giao dịch từ người mua nhà thực và các nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ.
Đưa ra ý kiến, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhấn mạnh rằng nhu cầu vay vốn mua nhà vẫn rất lớn trong bối cảnh thu nhập người lao động còn hạn chế. Tuy nhiên, nền kinh tế cả nước đang vào giai đoạn phục hồi, nhu cầu về vốn tăng mạnh khiến các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để hút dòng tiền và kéo theo là tăng lãi suất cho vay.
“Nếu vay mua nhà, người đi vay nên cân nhắc khả năng chi trả cả lãi lẫn gốc ngân hàng. Ngoài ra không nên chi quá 30% thu nhập cho khoản vay, cần ước tính giá trị căn nhà dự định mua dựa trên mức thu nhập cùng tiền mặt có sẵn. Bên cạnh đó, tùy vào hoàn cảnh, điều kiện mỗi gia đình mà chỉ vay trong khả năng trả nợ”, ông Thịnh nói.