Tăng lương cơ sở: Tính toán kỹ để thực sự có ý nghĩa
Tăng lương cần tính toán tăng ở mức độ nào, thời điểm nào để vừa nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động, vừa kiểm soát lạm phát.
Tăng lương phải kiểm soát được lạm phát
Theo VGP, trao đổi với báo chí về vấn đề tăng lương cơ sở, đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang nêu rõ việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực công hay lĩnh vực doanh nghiệp khu vực nhà nước đều sẽ tạo áp lực nhất định lên lạm phát.
Tuy nhiên, khi tính toán việc tăng lương cần tính toán tăng ở mức độ nào, tăng ở thời điểm nào để hướng tới mục tiêu vừa nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động, phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội nhưng cũng đảm bảo giữ ổn định vĩ mô, đặc biệt là vấn đề kiểm soát lạm phát.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, trong thời gian vừa qua, cơ quan thẩm tra đã nghiên cứu, rà soát và thấy rằng những mục tiêu đặt ra như mức độ tăng, thời điểm xác định tăng lương… trong dự kiến tăng lương cơ sở, nâng hệ số cho một số lĩnh vực, nghề nghiệp đặc thù đã phù hợp.
Đại biểu Trần Văn Lâm tin tưởng rằng việc tăng lương cơ sở thời gian tới sẽ đạt được mục tiêu vừa nâng cao đời sống, nâng cao thu nhập, cải thiện các mặt sinh hoạt của người lao động, đồng thời vẫn kiểm soát được lạm phát trong khung mà Quốc hội cho phép.
Tăng lương cơ sở nhưng không "cào bằng"
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023. Tuy nhiên đại biểu Phạm Văn Hòa và nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất áp dụng thực hiện từ ngày 1/1/2023.
Đại biểu đề xuất thêm, việc tăng mức lương cơ sở nhưng không thực hiện cào bằng mà quy định rạch ròi, cụ thể từng đối tượng nâng lương.
Đại biểu nêu ví dụ những sinh viên mới ra trường làm việc tại các cơ quan trong khu vực nhà nước có mức lương mới khởi điểm là 2,34 và chỉ hưởng 85% mức lương này. Vì vậy việc tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tuyển dụng nhân tài vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.
Đại biểu cho rằng, với đối tượng này cần có quy định riêng. Nếu thực hiện tăng lương theo kiểu "cào bằng" thì những người có hệ số lương cao, hệ số phụ cấp chức vụ cao sẽ tăng nhiều còn người có hệ số lương thấp không tăng bao nhiêu. Như vậy, cuộc sống công chức, viên chức vẫn còn khó khăn.
Cho nên phải cần phải có tính toán kỹ, làm sao nâng lương để đảm bảo cho cuộc sống của công chức, viên chức, người lao động có một cuộc sống ổn định, lâu dài.
Cần quan tâm tới công chức, viên chức làm văn hóa, nghệ thuật
Đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội bày tỏ quan tâm tới việc bổ sung đội ngũ giáo viên cho ngành giáo dục và sắp xếp bảng lương đối với các viên chức ngành văn hóa, nghệ thuật.
Theo đại biểu, qua khảo sát trong ngành giáo dục trong bối cảnh toàn ngành đang triển khai chương trình giáo dục năm 2018, việc thiếu giáo viên ở các bộ môn mới cũng như thiếu, thừa giáo viên nói chung đang rất lớn.
Qua giai đoạn đại dịch COVID-19 vừa qua đã có nhiều giáo viên bỏ việc, đây là một bất cập. Đặc biệt, đối với những thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thì thách thức này càng đặt lên vai ngành giáo dục trách nhiệm nặng nề hơn.
Để đáp ứng những môn học mới tích hợp với đội ngũ giáo viên hiện nay, giảng viên, giáo viên sẽ gặp khó khăn với kỹ năng giảng dạy. Lực lượng mỏng lại thiếu kỹ năng thì vô cùng khó khăn.
Qua giải trình tại phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tới đây ngành giáo dục sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải pháp tăng cường đội ngũ giáo viên. Đây là tín hiệu đáng mừng nhất mà cử tri ngành giáo dục đang mong đợi.
Về việc sắp xếp bảng lương đối với các viên chức ngành văn hóa, nghệ thuật, đại biểu Dương Minh Ánh cho rằng đây là lĩnh vực rất đặc thù, quá trình đào tạo rất dài, để có bằng đại học có thể mất 8-12 năm.
Tuy nhiên, khi tốt nghiệp lại chỉ được xếp bảng lương giống công chức, viên chức thông thường, trong khi thời gian công tác tại ngành trong một số lĩnh vực lại rất ngắn.
Vì vậy, việc cải cách tiền lương thời gian tới cũng cần phải quan tâm thêm công chức, viên chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Cần khoảng 60.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở
Trả lời báo chí tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022 về công tác chuẩn bị nguồn lực để tăng lương cơ sở từ 1/7/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Về việc chuẩn bị nguồn lực tài chính cho việc tăng lương cơ sở, ngay từ khi triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành địa phương phải bố trí nguồn lực tài chính để sẵn sàng khi cấp có thẩm quyền quyết định chính sách cải cách tiền lương.
Giải pháp đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện chính sách tiền lương là tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi.
Từ khi triển khai nhiệm vụ này, tính đến hết năm 2021, theo số liệu từ các địa phương Bộ Tài chính đã tổng hợp, nguồn từ ngân sách địa phương đạt khoảng trên 290.000 tỷ đồng và ngân sách Trung ương là 43.000 tỷ đồng.
Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, theo phương án điều chỉnh tăng lương cơ sở đã được Chính phủ trình Quốc hội, tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội... do Ngân sách Nhà nước chi trả và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở sẽ cần khoảng 60.000 tỷ đồng.
Với nguồn lực hiện có, chúng ta hoàn toàn chủ động trong quyết sách tăng lương cơ sở khi cấp có thẩm quyền thông qua.