Tăng lương để sống và tạo động lực

Hôm nay, 9-8, phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ bàn về việc tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2024. Sự kiện này nhận được sự quan tâm của dư luận bởi liên quan thiết thân quyền lợi của người lao động (NLĐ) do Tổng LĐLĐ Việt Nam đại diện và giới sử dụng lao động do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đại diện.

Đặt trong tổng thể tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, vấn đề tăng LTT năm 2024 sẽ được các bên trao đổi với thiện chí để có thể đạt được một tỉ lệ nhất định, dù có thể không ở mức 6% như đã từng áp dụng năm 2022. Hiện mức LTT vùng vẫn áp dụng theo Nghị định 38/CP với vùng 1: 4.680.000 đồng/ tháng; vùng 2: 4.160.000 đồng/ tháng; vùng 3: 3.640.000 đồng/ tháng và vùng 4: 3.250.000 đồng/ tháng; tương ứng là LTT giờ cho 4 vùng: 22.500 đồng, 20.000 đồng, 17.500 đồng và 15.600 đồng.

Khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam với hơn 6.200 công nhân tham gia, cho thấy sự sụt giảm đáng kể số giờ làm việc, từ đó mức thu nhập cũng giảm, chỉ còn 5,9 triệu đồng/người/tháng. Tổng thu nhập gồm lương và phụ cấp lương khoảng 8,74 triệu đồng/tháng, nhưng mức chi tiêu cho cuộc sống là 10,3 triệu đồng/tháng. "Đại đa số NLĐ muốn được tăng LTT vào đầu năm sau vì đời sống thực tế đang có nhiều khó khăn" - Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết.

Phía doanh nghiệp (DN), nhất là các DN dệt may, da giày lại đang lâm vào cảnh khó khăn do thiếu đơn hàng, phải cắt giảm lao động cho rằng rất khó để tăng LTT vào năm 2024. Suốt 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, rất nhiều DN rơi vào tình trạng sản xuất kinh doanh ngưng trệ, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản. Tăng LTT vùng cũng đồng nghĩa với việc DN phải gia tăng chi phí, vẫn là một gánh nặng cho DN.

Tuy nhiên, nhìn vào mặt tích cực thì nếu đề xuất tăng LTT vùng được thông qua sẽ tạo ra một nguồn thúc đẩy NLĐ làm việc, qua đó cải thiện năng suất, hiệu quả làm việc, giúp DN có khả năng phục hồi tốt hơn.

Dù không thể đi đến thống nhất hoàn toàn về con số đưa ra, song với sự thấu hiểu của cả hai bên và đại diện cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, NLĐ và DN đều mong chờ một phương án trung dung để có thể tăng LTT vùng lên mức chấp nhận được.

Bởi tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống NLĐ và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của NLĐ, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.

Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2018 đã chỉ rõ: "Nhà nước quy định tiền LTT là mức sàn thấp nhất để bảo vệ NLĐ yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Phân phối tiền lương dựa trên kết quả lao động và hiệu quả sản xuất - kinh doanh, bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN".

HOÀNG HOA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/tang-luong-de-song-va-tao-dong-luc-20230808223407406.htm