Tăng lương, giảm biên chế

Tiền lương luôn là mối quan tâm hàng đầu của đông đảo cán bộ công chức - viên chức (CBCC-VC).

Tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội đang diễn ra, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, tương ứng với tăng khoảng 20,8% và việc điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ ngày 1-7-2023.

Chủ trương tăng lương cơ sở đã được đặt ra từ nhiều năm trước. Năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương (CCTL) và Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên 3 năm vừa qua (2019-2021) chưa thể thực hiện việc này. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, nếu điều kiện đất nước năm 2023 có sự phát triển kinh tế - xã hội tốt và năm 2024 tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như năm 2020, 2021, 2022 thì có thể triển khai được CCTL.

Suốt hơn 2 năm đại dịch, cũng như đại đa số nhân dân, cuộc sống CBCC-VC gặp nhiều khó khăn, vất vả vì lương thấp và áp lực công việc không giảm. Tuy nhiên, mức tăng lương cơ sở như đề xuất và dự kiến thực hiện vào tháng 7-2023 vẫn là theo lộ trình và tính chất động viên là chính, vì số tiền tăng thêm mỗi tháng vẫn ít ỏi so với nhu cầu đời sống. Căn cơ hơn, phải là CCTL. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: "Đến thời điểm này đã chín muồi để CCTL. Nếu CCTL theo như lộ trình Nghị quyết 27 thì cần khoảng 248.000 tỉ đồng, vì chúng ta phải cân đối nhiều chiều".

Hiện nay, chính sách tiền lương của CBCC-VC có nhiều bất cập. Kỹ sư ra trường lương khởi điểm 3,5 triệu đồng; viên chức 2,2 triệu đồng, trong khi mức lương tối thiểu vùng thấp nhất đã là 4,2 triệu đồng. Theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TP HCM, mức thu nhập bình quân để một người dân của thành phố sống được là 6,5 triệu đồng, nên mức lương trả cho CBCC-VC như đã nêu trên rất khó để họ đắp đổi cho cuộc sống bản thân và gia đình khi nhiều người nhận lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Để CCTL đòi hỏi phải có nguồn lực đủ mạnh, song hành với rất nhiều giải pháp phát triển kinh tế. Mặt khác, phải thấy rằng tiền lương đang thực sự là gánh nặng đối với ngân sách vì phải trang trải cho nhiều nguồn, nhiều đối tượng. Do đó, muốn CCTL thành công, phải quyết liệt tinh giản biên chế, không để bộ máy cồng kềnh làm cản trở hoặc là một sức ì. Bao giờ chúng ta có đội ngũ CBCC-VC vừa đủ gọn nhẹ, năng lực chuyên môn tốt, có ý thức phục vụ nhân dân cao, khoản tiền lương tiết kiệm được khi không phải trả cho những người không làm được việc sẽ chuyển sang cho đội ngũ này. Bớt đi những người "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", mang danh CBCC-VC để làm không tròn phận sự, thậm chí tham nhũng vặt, nhũng nhiễu người dân… là việc nên làm, không để kéo dài từ năm này qua năm khác.

Bao năm nay cứ đề cập tăng lương, CCTL, tinh giản biên chế nhưng bộ máy nhiều nơi cứ phình ra. Làm được việc tinh giản biên chế, trả lương thỏa đáng hơn cũng là một giải pháp để giữ chân những người có đạo đức, tài năng, để ngăn tình trạng chảy máu chất xám trong khu vực công.

HOÀNG HOA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/tang-luong-giam-bien-che-20221028220511075.htm