Tăng lương giáo viên lên mức cao nhất | Hà Nội tin mỗi chiều
Tăng lương giáo viên lên mức cao nhất; Hà Nội nỗ lực khôi phục vùng sen bách diệp; Cụ bà 6 lần chuyển 18 tỷ cho 'công an rởm'… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.
Tăng lương giáo viên lên mức cao nhất
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin góp ý về dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó đề xuất lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Thời gian nhận góp ý từ nay đến hết 13/7/2024.
Các chính sách về tiền lương, chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo được quy định tại dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29 "tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo quy định của Chính phủ". Đồng thời chính sách cũng hướng đến việc giúp nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp. Cùng với đó là mục tiêu thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo, thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài trong ngành Giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021-2022 có hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển ra khỏi ngành. Đây là vấn đề nan giải của nhiều địa phương, nhất là khi còn có hàng nghìn giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển từ trường công lập sang các trường tư thục.
Đặc biệt, trong thời điểm ngành Giáo dục triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thì toàn ngành phải đối mặt với tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Có những môn học mới phải tuyển dụng giáo viên như: Tin học ở cấp tiểu học, giáo viên Nghệ thuật ở cấp trung học phổ thông.
Năm 2024 được xác định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục. Bởi đây là năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với ba khối lớp cuối cùng của hệ thống giáo dục phổ thông gồm: lớp 5, 9 và 12. Cả nước hiện còn thiếu gần 128.000 giáo viên. Dự kiến con số này còn tiếp tục tăng bởi số lượng học sinh ở các địa phương cũng ngày càng tăng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định, trong quá trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mục tiêu quan trọng nhất là đạt chuẩn đầu ra về phát triển con người, năng lực của học sinh. Muốn vậy, chất lượng đội ngũ nhà giáo, tư tưởng, tâm thái của nhà giáo có vai trò quan trọng đến sự thành công của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông".
Thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện tốt các quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, tinh giản biên chế ngành giáo dục. Cùng với đó là khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên, nhất là các tỉnh miền núi, vùng khó khăn; bảo đảm nguyên tắc "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp"; ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trước thực trạng thiếu giáo viên, Chính phủ đã đề xuất và được Bộ Chính trị đồng ý quyết định bổ sung hơn 65.900 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026.
Tới đây, khi thực hiện cải cách tiền lương, lương viên chức giáo dục có thể sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác. Điều này được thể hiện qua Nghị quyết 29 năm 2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phần phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Đây cũng sẽ là yếu tố giúp giữ chân giáo viên giỏi, thu hút được sinh viên giỏi vào sư phạm, phát triển đội ngũ nhà giáo có cả chất và lượng trong thời gian tới.
Hà Nội nỗ lực khôi phục vùng sen bách diệp
Sen Bách Diệp thường được trồng ở các hồ nhỏ quanh Hồ Tây từ thế kỷ 11. Giống sen này có tới 100 cánh, có một một mùi thơm thuần khiết, ngát đượm và thường được dùng để ướp trà. Những đặc điểm về thổ nhưỡng, khí hậu, đặc biệt là nguồn nước Hồ Tây đã tạo nên giống sen quý ở nơi đây.
Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa và ô nhiễm môi trường diện tích trồng sen tại đây đã bị thu hẹp đáng kể. Để góp phần bảo tồn và tiến tới nhân rộng diện tích trồng sen Hồ Tây, mới đây các cơ quan chức năng đã thực hiện dự án nhằm khôi phục loại sen này và gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
Sau quá trình khảo sát, UBND quận Tây Hồ đã lựa chọn hai hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ thuộc phường Quảng An để triển khai đề án “khôi phục, phát triển trồng cây sen trên một số hồ nhỏ xung quanh khu vực Hồ Tây”. Tổng diện tích trồng sen khoảng 7 ha.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, trong tháng 4 - 5/2024 đơn vị đã tiến hành 3 đợt hỗ trợ quận Tây Hồ tổng số 7.000 cây giống sen bách diệp. Trung tâm cũng cung cấp vật tư để hai hộ dân tham gia đề án tiến hành trồng sen tại hai hồ, mỗi hồ 3.500 cây giống.
Cùng với hỗ trợ cây giống sen, Sở NN&PTNT Hà Nội và quận Tây Hồ đã mời chuyên gia về trực tiếp tập huấn, phổ biến kiến thức trồng và chăm sóc sen cho các hộ tham gia đề án. Đến nay, một số lượng lớn cây giống sen đã bắt đầu được trồng trên hồ đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, hiện nay hầu hết các giống sen của Việt Nam chỉ có thể trồng và cho thu hoạch được một vụ mỗi năm. Ngành nông nghiệp đang nghiên cứu để nghề trồng sen phát triển quanh năm. Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp cùng quận Tây Hồ để nghiên cứu đưa thêm nhiều giống sen mới về trồng thí điểm trên địa bàn quận. Không chỉ tạo dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường, những giống sen mới được kỳ vọng giúp gia tăng giá trị kinh tế từ cây sen trong suốt cả năm cho người dân quận Tây Hồ nói riêng và các địa phương khác nói chung.
Sen Hồ Tây đã được công nhận sở hữu trí tuệ. Đây là loại sen đặc biệt không nơi nào có được. Việc khôi phục không chỉ có giá trị bảo tồn loài sen quý mà còn góp phần vào các dự án phát triển du lịch, tạo nên nét đẹp đặc trưng cho quận Tây Hồ là yếu tố thu hút du khách mỗi dịp ghé thăm thủ đô.
Cụ bà 6 lần chuyển 18 tỷ cho “công an rởm”
Công an TP Hà Nội cho biết, mới đây Công an quận Tây Hồ tiếp nhận thụ lý đơn tố giác của một nạn nhân là một cụ bà sinh năm 1947, trú tại Tây Hồ (Hà Nội) về việc bị chiếm đoạt tài sản. Theo đơn trình báo, nạn nhân có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an quận Hoàn Kiếm nói bà đang nợ ngân hàng 63 tỷ đồng. Sau đó đối tượng yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để xác minh.
Do lo sợ bà đã chuyển khoản 6 lần với tổng số tiền là gần 18 tỷ đồng cho đối tượng. Sau đó, mới biết mình bị lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo.
Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy.
Trao đổi tại phiên toàn thể của Hội thảo “Phòng chống lừa đảo trên không gian mạng” diễn ra mới đây tại Hà Nội, Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia chỉ rõ, tại Việt Nam, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống của người dân.
Cũng theo Thượng tướng Lương Tam Quang, phương thức và thủ đoạn phạm tội của các đối tượng lừa đảo rất tinh vi. Chúng sử dụng công nghệ deepfake giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng gọi điện; kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán. Đối tượng mà tội phạm lừa đảo qua mạng hướng tới chủ yếu là nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp thậm chí là cả trẻ em.
Trung tá Vũ Trọng Nghĩa - Phó trưởng Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) cho biết, hiện nay hằng ngày hằng giờ các đối tượng lừa đảo liên tục nghiên cứu để tích hợp và phát triển những thủ đoạn lừa đảo mới, gây khó khăn cho người dân trong việc nhận diện và phòng tránh lừa đảo.
Để ứng phó với các hình thức lừa đảo trực tuyến, trong đó có lừa đảo mạo danh, các chuyên gia Cục An toàn thông tin khuyến nghị, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào, bởi việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, người dân không giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính.
Đặc biệt, những người từng bị lừa đảo tài chính cần cẩn trọng trước các website, hội nhóm mạng xã hội liên tục chạy quảng cáo, mời chào dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền đã mất. Bên cạnh đó đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn này tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất./.