Tăng lượng hàng thủy sản bán ở nội địa
Doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt đang chủ động ở thị trường trong nước nhờ đa dạng sản phẩm
Tại khu vực thực phẩm tự chọn của Trung tâm mua sắm Aeon Mall Tân Phú, bà Lê Hoàng Nga (ngụ tại quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) chọn trên chục mặt hàng thủy hải sản đông lạnh, tươi sống chế biến như cá ngừ đại dương cắt khúc, tôm, cồi sò điệp đông lạnh, phi lê cá hồi tươi, tôm càng xanh sông… và cho biết, dịp cuối tuần bà luôn đến siêu thị để chọn mua nhiều loại cá tôm vừa tươi sống vừa đông lạnh để gia đình ăn trong suốt tuần. Tại các siêu thị có rất nhiều loại sản phẩm ngon như phi lê cá hồi, thịt cá ngừ đại dương, cá tầm và trứng cá tầm tươi sống…
Từ 3 năm trở lại đây, bà Lê Hoàng Nga đã bắt đầu chuyển sang chọn mua thủy hải sản ở các siêu thị, bởi chất lượng luôn được đảm bảo, phong phú về chủng loại (cả sản phẩm nguyên con và chế biến). Đây chính là yếu tố mới cho thấy doanh nghiệp chế biến thủy sản đã đầu tư mạnh để đa dạng hóa các sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng ở thị trường nội địa.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) khẳng định thêm, các doanh nghiệp thủy sản hiện cũng xác định, việc đẩy mạnh kinh doanh và tiêu thụ thủy sản ở thị trường nội địa là vô cùng quan trọng, để đảm bảo tính ổn định cho toàn ngành. Vì vậy, bên cạnh xuất khẩu, hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong nước đang chú trọng phát triển thị trường nội địa với rất nhiều tiềm năng, bởi nhu cầu của người tiêu dùng trong nước đối với sản phẩm thủy sản đang ngày càng cao.
Theo khảo sát của Vasep, giá trị tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản của người tiêu dùng trong nước lên đến 22.000 tỷ đồng/năm (tương đương 1 tỷ USD) và mức tiêu thụ bình quân của người Việt Nam ước khoảng 35kg thủy hải sản/năm, dự báo mức tiêu thụ này sẽ tăng đến 44kg/người/năm từ năm 2020 trở đi.
Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Sài Gòn (Saigon Food), để thu hút khách hàng tiêu thụ mạnh sản phẩm thủy hải sản các loại, doanh nghiệp chế biến thủy sản không ngừng đa dạng hóa sản phẩm cả về chất lượng lẫn số lượng. Bởi thói quen tiêu dùng của người Việt là vốn thích thủy sản tươi, sống mua về tự sơ chế, chế biến thức ăn. Và doanh nghiệp muốn tiếp cận khách hàng Việt, thì sản phẩm ngoài tính tiện dụng còn phải ngon, phù hợp gu ẩm thực của từng vùng, miền.
Đặc biệt hiện nay, các doanh nghiệp còn phối hợp với nhà bán lẻ kinh doanh thủy hải sản tươi sống để có nhân viên phục vụ sơ chế tại chỗ cho khách hàng. Có thể thấy thủy hải sản ở siêu thị hiện rất phong phú từ hàng tươi sống cao cấp như cá tầm, tôm hùm, tôm càng xanh… đến loại thông dụng phổ biến như cá diêu hồng và các loại hải sản đánh bắt khác (cá ngừ đại dương, mực ống, bạch tuộc lớn…).
Hàng đông lạnh hiện là nhóm sản phẩm quan trọng của doanh nghiệp trong tiêu thụ nội địa. Nếu trước đây, thủy sản đông lạnh chỉ có vài loại tôm cá, mực thì nay, tại tủ đông ở các siêu thị đã có gần 1.000 loại sản phẩm. Rất nhiều trong số đó là hàng đặc sản (trước đây chỉ dành cho xuất khẩu) như cá ngừ đại dương, cá thu đại (1 – 2kg/lát cá), hay phi lê cá hồi, cá hồi nguyên con, mực nang, bạch tuộc lớn... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn đầu tư sản xuất sản phẩm thủy sản chế biến phổ thông, dành cho bữa ăn hàng ngày của mọi gia đình Việt vào những dịp cuối tuần hay ngày lễ, tết như gói lẩu hải sản, mắm kho, bánh hấp (há cảo, sủi cảo…), cá nướng…
Hiện nay, nhiều gia đình tại các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, việc đến siêu thị chọn mua thủy hải sản tươi sống chế biến sẵn, đông lạnh, đồ hộp đã trở nên phổ biến do tính tiện dụng, giá phải chăng và chất lượng đảm bảo. Điều này đang thúc đẩy doanh nghiệp chế biến thủy sản ngày càng tăng đầu tư vào mảng chế biến sản phẩm tiêu thụ nội địa, tạo ra cơ hội cho mình và tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng trong nước.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tang-luong-hang-thuy-san-ban-o-noi-dia-91757.html