Tăng mỡ máu ở tuổi trung niên

Tăng mỡ máu là một bệnh rất thường gặp ở tuổi trung niên và cao tuổi, bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa. Tình trạng tăng mỡ máu có thể để lại biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, gan, thận. Nếu không được kiểm soát tác hại của mỡ máu có thể để lại hậu quả đáng tiếc.

Mỡ máu là gì?

Mỡ máu có 2 thành phần cơ bản là cholesterol và triglyceri. Trong đó, cholesterol có 3 loại là cholesterol toàn phần, HDL-C (cholesterol tốt - đảm nhận vai trò làm cho thành động mạch mềm mại để lưu thông máu hiệu quả, đồng thời có khả năng bảo vệ thành mạch máu) và LDL-C (cholesterol xấu - làm cho xơ vữa thành động mạch).

Triglycerid là chất do dư thừa của axít béo không được chuyển thành cholesterol ở gan (khi chất axít béo loại tự do được hấp thu qua gan sẽ được chuyển thành cholesterol, nếu lượng axít béo bị dư thừa sẽ trở thành triglycerid). Tại gan, chất triglycerid sẽ kết hợp với chất apoprotein (do gan sản xuất ra) và được đưa ra khỏi gan dưới dạng lipoprotein có tỉ trọng thấp. Khi có sự mất cân bằng giữa lipid vào gan và lipid ra khỏi gan thì mỡ sẽ tích lại trong gan gây nên gan nhiễm mỡ.

Khi nào gọi là mỡ máu cao?

Cholesterol toàn phần trong máu bình thường có chỉ số < 5,2mmol/l, khi chỉ số này tăng trên 5,2mmol/lít là bắt đầu cao. Với loại HDL-C chỉ số trong máu ở người bình thường là ≥ 0,9mmol/l, chỉ số này càng cao càng tốt. Với loại LDL-C trong máu người bình thường có chỉ số là dưới 3,4mmol/l, khi chỉ số này vượt quá trên 3,4 mmol/l, được gọi là cao.

Khi triglycerit trong máu trên 2,26 mmol/l được gọi là cao.

Khi tăng cả cholesterol xấu và triglycerit, được gọi là tăng mỡ máu hỗn hợp.

Nguyên nhân máu nhiễm mỡ

Nguyên nhân máu nhiễm mỡ chủ yếu do ăn uống không điều độ, tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo bão hòa (là chất béo từ mỡ động vật, được tìm thấy trong thịt, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa) và chất béo chuyển hóa (có nhiều trong các thực phẩm chế biến sẵn), nhiều đường bột, ăn ít hoa quả; hút thuốc; béo phì và lười vận động.

Ngoài ra, người mắc một số bệnh lý như tiểu đường type 2, suy giáp hoặc bệnh thận mạn tính cũng có nguy cơ rối loạn mỡ máu cao hơn.

Nguyên nhân di truyền: Con cái có nguy cơ mắc rối loạn lipid máu nguyên phát cao hơn khi bố hoặc mẹ bị rối loạn lipid máu. Tuổi tác tăng cao cũng là nguy cơ khiến cholesterol tăng cao. Phụ nữ thường có mức LDL thấp hơn nam giới, tuy nhiên, mức LDL ở phụ nữ sẽ có xu hướng tăng sau khi mãn kinh.

Mỡ máu cao gây tác hại gì cho sức khỏe?

Cholesterol xấu (LDL-C) càng cao càng làm cho xơ vữa động mạch, từ đó sẽ hạn chế lưu thông máu, tạo điều kiện cho việc hình thành cục máu đông hoặc các mảng xơ vữa bong ra gây tắc mạch, dẫn tới tình trạng đột quỵ, nhất là tắc mạch vành (nhồi máu cơ tim) hoặc tắc mạch não (nhũn não).

Mỡ máu cao, lượng triglyceride cao cũng làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ, đây cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh gan mạn tính như xơ gan, ung thư gan...

Viêm tụy là một trong những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi máu nhiễm mỡ, do hàm lượng triglyceride rất cao có thể gây sưng tuyến tụy, gây ra những biểu hiện như: Đau bụng đi ngoài dữ dội, sốt, nôn, thở nhanh, nhịp tim nhanh. Nếu trường hợp dịch tiêu hóa bị rò bên ngoài tuyến tụy có thể nguy hiểm đến tính mạng con người.

Tác hại của máu nhiễm mỡ có thể gây ra tình trạng nặng nề của bệnh tiểu đường type 2 và ngược lại, nhất là với trường hợp có nguy cơ huyết áp cao, tăng mỡ bụng, HDL - C thấp và đường huyết cao. Khi chỉ số triglyceride cao kết hợp cũng sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.

Bệnh động mạch ngoại biên: Khi có quá nhiều mỡ máu, sẽ tạo thành lớp chất trong lòng động mạch khi chảy đến chân. Bệnh này gây cảm giác đau và tê chân, đặc biệt là những lúc đi bộ, ngoài ra, bệnh cũng làm tăng khả năng nhiễm trùng ở chân, bàn chân.

Phòng ngừa bệnh máu nhiễm mỡ

Nếu phát hiện và điều trị bệnh sớm ở giai đoạn đầu bệnh máu nhiễm mỡ, chỉ bằng việc thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện, người bệnh đã có thể cải thiện bệnh nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu để bệnh tiến triển, việc điều trị khó khăn và phức tạp hơn, có nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Một số biện pháp dưới đây giúp phòng tránh bệnh hiệu quả:

- Kiểm soát cân nặng ở mức độ cho phép, dựa theo chỉ số BMI.

- Hạn chế sử dụng đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, các loại thịt màu đỏ, da động vật, không hút thuốc lá, rượu bia. Thay vào đó, nên sử dụng các loại dầu thực vật, dầu oliu, dầu đậu nành, ăn cá thay các loại thịt. Tăng cường bổ sung các loại rau xanh, trái cây để cung cấp chất xơ, vitamin và chất khoáng, tốt cho sức khỏe và cân bằng chất béo trong máu.

- Ngừng sử dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích…

- Tăng cường tập thể dục đều đặn hoặc chơi các môn thể thao nhẹ nhàng như: Đi bộ, chơi cầu lông, bơi, tập thể dục dưỡng sinh…

Nên đi khám bệnh định kỳ để được chỉ định xét nghiệm mỡ máu.

Khi mỡ máu cao cần điều trị theo chỉ định và tư vấn của bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc để điều trị nếu không có chuyên môn về y học.

Ths.Bs.Nguyễn Anh Tuấn

(Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/suc-khoe-doi-song/75970/tang-mo-mau-o-tuoi-trung-nien.html