Tăng năng lực chống rửa tiền để hạn chế tham nhũng

Nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, giao dịch xuyên biên giới ngày càng phát triển, kéo theo hoạt động rửa tiền gia tăng cả về quy mô và số lượng.

Chống rửa tiền trở thành mặt trận ngày càng nóng bỏng, cũng là công cụ hiệu quả để chống tham nhũng trên cả phạm vi toàn cầu và mỗi quốc gia. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mỗi năm tội phạm tiến hành rửa tiền thành công từ 1.000-1.500 tỷ USD trên toàn thế giới, gây ra những tác hại khôn lường, trong đó có khoảng 1.000 tỷ USD thông qua các hoạt động hối lộ, tham nhũng…

Chính vì vậy hoạt động phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, là một trong những hoạt động luôn được quan tâm bởi các nhà làm luật, chính sách và các cơ quan thực thi. Trong đó quan trọng nhất là minh bạch tài chính, trong sạch hệ thống tài chính, từ đó góp phần làm giảm các loại hình tội phạm trong xã hội như buôn lậu, buôn người, ma túy, tham nhũng…

Việt Nam khó tránh…

Cùng với độ mở lớn của nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, giao dịch xuyên biên giới cũng ngày càng phát triển, và hoạt động rửa tiền ở Việt Nam cũng ngày càng phức tạp. Theo các chuyên gia, hoạt động rửa tiền tại Việt Nam hiện nay gia tăng theo thời gian cả về quy mô, số lượng, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho biết khi sự phát triển của các công nghệ mới, điện toán đám mây, kinh tế số, ứng dụng số… thì các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng phát triển nhanh, đem lại nhiều thuận lợi. Song đi kèm với đó là các tội phạm rửa tiền trở nên tinh vi và phức tạp hơn. Nhiều hình thức rửa tiền mới xuất hiện như: Tài sản ảo, tiền ảo, sàn giao dịch ảo… Thậm chí rửa tiền còn diễn ra trong thanh toán qua ví điện tử, cho vay ngang hàng (P2P lending).

Ngân hàng, chứng khoán, chuyển tiền phi chính thức… đều là những lĩnh vực có nguy cơ bị lợi dụng để rửa tiền cao. Thậm chí buôn bán động vật hoang dã cũng là một kênh rửa tiền, trong khi Việt Nam là một trong những điểm nóng về buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã. Bất động sản cũng là kênh có nguy cơ rửa tiền cao ở Việt Nam, do các giao dịch có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản mà không thông qua sàn.

Theo ông Nguyễn Huy Công, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, thậm chí tội phạm rửa tiền còn lợi dụng các sản phẩm, dịch vụ tài trợ thương mại để rửa các nguồn tiền bất chính, thông qua các hợp đồng khống tạm nhập tái xuất hàng hóa; hoặc khai báo nhiều hoặc ít hơn số lượng hàng hóa thực tế được vận chuyển…

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, hoạt động rửa tiền ở Việt Nam là khó tránh khỏi, thậm chí còn là một quốc gia có nguy cơ khá cao, do nền kinh tế đang phát triển đi đôi với quy mô sử dụng tiền mặt, trong khi cơ chế phòng, chống rửa tiền còn nhiều hạn chế, đặc biệt đối với các biện pháp phạt tiền và thu hồi tài sản phạm tội.

Rõ ràng trong bối cảnh thể chế chưa hoàn thiện và nền kinh tế ưa chuộng giao dịch tiền mặt như ở nước ta, thì tham nhũng và tài trợ khủng bố dưới hình thức nhận tiền gắn với rửa tiền, có nhiều cơ hội ẩn náu và hoành hành.

Chống được tham nhũng sẽ hạn chế rửa tiền

Việt Nam đã và đang đặt ưu tiên cao cho phòng, chống rửa tiền thông qua việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, hiện đã có Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước. Trong những năm gần đây, công tác chống rửa tiền gắn với cuộc chiến chống tội phạm tham nhũng ngày càng được Việt Nam coi trọng, thực hiện thông qua các công cụ luật pháp, xây dựng và triển khai các chương trình phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm tham nhũng và các giải pháp đồng bộ khác.

Tuy nhiên, hoạt động kinh tế phát triển, kèm theo sự ra đời của nhiều sản phẩm công nghệ tinh vi trên nền tảng công nghệ số, trong khi khuôn khổ pháp lý chưa kịp điều chỉnh, đã dẫn tới hoạt động phòng chống rửa tiền trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Điều này đòi hỏi không chỉ khung pháp luật cần phải được hoàn thiện, mà cần giải pháp quản lý phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố hiệu quả hơn.

Theo các chuyên gia, để phòng chống rửa tiền hiệu quả, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng… Đồng thời hoàn thiện Bộ luật Hình sự theo hướng bổ sung định danh những tội phạm mới, như tội làm giàu bất chính, tội nhận quà biếu có giá trị lớn; bổ sung quy định tài sản do tham nhũng là đối tượng bắt buộc chứng minh, và quy định về việc xử lý tài sản không minh bạch, tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý.

Các chuyên gia cũng đề nghị làm rõ quyền và căn cứ xác minh tài sản, thu nhập tạo ra từ sự chủ động trong phát hiện dấu hiệu tham nhũng. Bổ sung quy định về biện pháp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, các tổ chức tín dụng.

Các giao dịch tài sản có giá trị lớn bắt buộc phải được thực hiện qua tài khoản tín dụng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thuế hiệu quả, hệ thống kê khai tài sản toàn diện và được giám sát chặt chẽ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, phòng, chống rửa tiền hiệu quả, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý tiền điện tử kỹ thuật số, theo hướng nghiên cứu xem xét công nhận tài sản kỹ thuật số, tiền điện tử là một loại tài sản. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát đối với các giao dịch liên quan tới tiền điện tử kỹ thuật số xuyên biên giới.

Một đề xuất nữa là đẩy mạnh công tác xử lý giao dịch đáng ngờ. Theo quy định, các giao dịch có giá trị lớn từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế, còn rất nhiều tổ chức kinh doanh bất động sản, kinh doanh kim loại quý, đá quý hay cả các công ty hành nghề luật sư, tư vấn pháp lý… chưa chấp hành đầy đủ quy định này.

Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, chuyển tiền phi chính thức… đều là những lĩnh vực có nguy cơ cao bị lợi dụng để rửa tiền, bởi các giao dịch có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản mà không thông qua sàn. Thậm chí buôn bán động vật hoang dã cũng là một kênh rửa tiền, trong khi Việt Nam là một trong những điểm nóng về buôn bán trái phép động vật hoang dã.

TRI NHÂN

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tang-nang-luc-chong-rua-tien-de-han-che-tham-nhung-post110705.html