Tăng năng suất lao động từ các phong trào thi đua
Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã và đang chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền đồng cấp và người sử dụng lao động triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) nhằm tăng năng suất lao động, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Những phong trào thi đua mang dấu ấn Công đoàn
Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất” và với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công việc, cải thiện đời sống người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chú trọng triển khai nhiều phong trào thi đua mang dấu ấn của tổ chức Công đoàn như phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô”, “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”… Các phong trào thi đua này đã thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia và nhận được sự đồng tình, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp chính quyền, người sử dụng lao động.
Trong đó, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô” do tổ chức Công đoàn Thủ đô phát động đã thu hút đông đảo CNVCLĐ ở mọi lĩnh vực, ngành nghề tham gia hưởng ứng bằng những sáng kiến có giá trị làm lợi lớn. Phong trào này ngày càng có bước chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng, số lượng và lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý Nhà nước; góp phần quan trọng trong giải quyết khó khăn ách tắc trong sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Phát biểu tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tổ chức Công đoàn phát huy vai trò là cầu nối thực hiện vai trò đối thoại về chính sách, chia sẻ kinh nghiệm tăng năng suất lao động, trong đó có việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kỹ năng nghề cho người lao động… Đồng thời, người lao động tham gia trực tiếp sản xuất cả về tinh thần và vật chất; không ngừng trau dồi, tự học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm, khả năng thích ứng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; đổi mới tác phong, ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động, tạo môi trường lao động lành mạnh, có hiệu quả.
Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, năm 2023 vừa qua, toàn Thành phố đã có 94.523 sáng kiến của CNVCLĐ được công nhận ở cấp cơ sở, 1.906 sáng kiến của CNVCLĐ được công nhận ở cấp trên cơ sở. Từ 609 sáng kiến và đề tài khoa học được lựa chọn đề nghị từ cấp trên cơ sở, Hội đồng thi đua LĐLĐ Thành phố đã xét chọn và công nhận 100 “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô” và quyết định tặng Bằng khen của Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố cho 100 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Lao động sáng tạo”.
Nhiều năm qua, phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” đã được các cấp Công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô tích cực triển khai, hưởng ứng, duy trì và phát triển đến nay đã thực sự đi vào chiều sâu và có ý nghĩa lan tỏa sâu sắc. Qua phong trào thi đua đã góp phần động viên, khai thác tiềm năng, trí tuệ, tâm huyết của từng công nhân lao động trong nghiên cứu, sáng tạo, tìm tòi những sáng kiến cải tiến để hợp lý hóa sản xuất, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất; góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống người lao động.
Và những con số biết nói
Tính đến nay, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã tổ chức 15 lần tuyên dương “Công nhân giỏi Thủ đô” và đã công nhận cho 1.889 công nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”. Từ những năm đầu phát động, số doanh nghiệp hưởng ứng và công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” chủ yếu tập trung tại doanh nghiệp Nhà nước và Công ty Cổ phần có vốn Nhà nước chi phối. Đến nay, số công nhân lao động đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Năm 2024, toàn thành phố Hà Nội có 62.520 công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở; 2.230 công nhân lao động được công nhận “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở. Trong đó, riêng khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ 35% số công nhân được tuyên dương; số công nhân bậc 3, 4, 5 đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” chiếm trên 60%; công nhân có trình độ tay nghề bậc 6, 7 đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” chiếm tỷ lệ trên 35%; một số công nhân lao động đạt các giải cao tại Hội thi tay nghề toàn quốc, ngành và địa phương. Từ những tấm gương điển hình tiên tiến cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội đã lựa chọn và quyết định tặng Bằng công nhận cho 100 công nhân lao động đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”.
Phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” với điểm nhấn là tổ chức Hội thi thợ giỏi của các cấp Công đoàn đã tạo cơ hội để đông đảo công nhân lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của Thủ đô và quốc gia trong quá trình hội nhập.
Theo ghi nhận tại các Hội thi, ở phần thi lý thuyết, mặc dù gặp không ít khó khăn trong việc ôn lý thuyết, bởi các thí sinh hàng ngày đều phải trực tiếp sản xuất, ít có điều kiện cập nhật lý thuyết một cách thường xuyên, liên tục. Song với tinh thần, ý thức, trách nhiệm cao các thí sinh đã tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc để ôn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn, do đó kết quả làm bài khá tốt. Ở phần thi thực hành, mặc dù thời gian tiếp cận, làm quen với máy tại khu vực thi chưa được nhiều, áp lực tâm lý, song các thí sinh dự thi đã bình tĩnh, tự tin thể hiện bản lĩnh, trình độ tay nghề thực hiện tốt nhất phần thi thực hành của mình, chính vì vậy nhiều thí sinh đạt kết quả rất cao ở phần thi này.
Ngoài những phong trào nêu trên, tổ chức Công đoàn Thủ đô cũng đã triển khai sâu rộng các phong trào thi đua chuyên đề như: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”... thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia. Đặc biệt, hưởng ứng Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” (Chương trình “1 triệu sáng kiến”) do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã vận động đông đảo CNVCLĐ tham gia một cách hăng hái, sôi nổi với những giải pháp sáng tạo. Sáng kiến của CNVCLĐ Thủ đô tham gia chương trình đa dạng trên các lĩnh vực như: Giáo dục, y tế, kỹ thuật, cơ khí, tự động hóa, công nghệ số, phòng, chống dịch Covid-19, tài nguyên môi trường, cải cách hành chính… Trong đó, có rất nhiều sáng kiến có tính thích ứng cao đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất, công tác của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, được áp dụng vào thực tiễn và có khả năng phổ biến rộng rãi trong ngành hoặc toàn Thành phố mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực.
Động lực để người lao động phấn đấu
Thực tế cho thấy, các phong trào thi đua mang dấu ấn của tổ chức Công đoàn đang được triển khai sâu rộng và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Với nhiều người lao động, các phong trào thi đua do Công đoàn phát động đã trở thành nguồn động lực để họ phấn đấu trong công việc, hăng say lao động sản xuất, tích cực tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến có giá trị làm lợi cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tiêu biểu như trường hợp của anh Đỗ Ngọc Lĩnh - Trưởng nhóm thiết kế sáng tạo tại Phòng thiết kế của Công ty Cổ phần ứng dụng công nghệ & CNC Việt Nam. Trong suốt quá trình làm việc, anh Lĩnh không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và tự đặt cho mình mục tiêu đưa ra các giải pháp công nghệ tối ưu nhất trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao của khách hàng.
Gần đây nhất, anh Lĩnh cùng các cộng sự của mình đã có sáng kiến “Ứng dụng robot nâng cao trình độ tự động hóa trong ngành đúc”, mang lại giá trị làm lợi lớn cho Công ty. Anh Lĩnh cho biết, robot được ứng dụng trong quá trình sản xuất đúc sản phẩm, hoạt động 24/24 giờ tại Công ty đã thể hiện nhiều tính năng ưu việt như giảm tai nạn lao động và ô nhiễm. Đặc biệt, robot đã thay thế được 7 người lao động và số lượng sản phẩm làm ra tăng gấp 10 lần so với trước đây; thành phẩm tạo ra luôn có độ chính xác cao, tỷ lệ lỗi thấp nhất. Nhờ đó, Công ty không chỉ giảm được chi phí nhân công mà còn giảm được các chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất liên quan đến việc sửa lỗi sản phẩm hoặc sản xuất bù.
Xuất phát điểm là công nhân có tay nghề bậc thấp, với tinh thần không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, sáng tạo, chị Dương Quỳnh Nga - chuyền trưởng chuyền may 3 tại Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại sản phẩm da Ladoda đã đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ như danh hiệu: "Bàn tay vàng ngành may da", "Chiến sĩ thi đua", "Công nhân giỏi Thủ đô"… Chị Nga cho biết một trong những nguồn động lực lớn để chị đạt được những thành tích đó là từ các phong trào thi đua do Công đoàn phát động.
Từ thực tiễn công việc, chị Nga đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo để nâng cao năng suất lao động. Tiêu biểu như chị đã nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ lắp ghép vào hộp của sản phẩm, làm tăng năng suất của công đoạn này lên 125% so với định mức mà phòng kỹ thuật của Công ty hướng dẫn; tiết kiệm chi phí trên 100 triệu đồng cho Công ty và tiết kiệm nhân công sản xuất. Ngoài ra, chị Nga cũng đã cùng phòng kỹ thuật của Công ty nghiên cứu công nghệ sản xuất, kỹ thuật lắp ráp sản phẩm và đề xuất làm các dụng cụ gá lắp để người công nhân dễ làm, đạt được năng suất cao và chất lượng sản phẩm tốt. Vì vậy, năng suất của chuyền may 3 đạt rất cao, hằng tháng luôn vượt năng suất từ 115% đến 125%.
Là một công nhân đã nhiều lần tham gia Hội thi thợ giỏi do Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội tổ chức và Hội thi thợ giỏi cấp Thành phố, anh Trần Văn Tuyên - công nhân Công ty Cổ phần xích líp Đông Anh chia sẻ: “Các thí sinh tham gia Hội thi thợ giỏi đều là những công nhân có tay nghề cao, đó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để bản thân tôi được cọ sát, học hỏi, rèn luyện tay nghề. Đến với Hội thi, ngoài nỗ lực để đạt kết quả cao nhất thì tôi cũng coi đây là cơ hội tốt để học hỏi, nâng cao kỹ năng tay nghề của bản thân. Sau Hội thi, những gì học hỏi được, tôi sẽ áp dụng vào công việc và chia sẻ với đồng nghiệp tại Công ty để cùng nhau hoàn thành tốt công việc được giao, góp phần vào sự phát triển chung của Công ty”.
Phải khẳng định, với việc triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã thể hiện rõ vai trò đồng hành cùng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống việc làm cho người lao động; tích cực góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò kỹ năng nghề nghiệp của người lao động trong việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật mới vào sản xuất và phục vụ đời sống; động viên, khích lệ, tạo điều kiện để người lao động nâng cao kỹ năng tay nghề, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp để đáp ứng đòi hỏi yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Theo ông Phạm Quang Thanh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phong trào thi đua lao động giỏi, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” đạt kết quả cao hơn. Cụ thể, các cấp Công đoàn sẽ tiếp tục phát động sâu rộng phong trào thi đua lao động giỏi, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”; tổ chức các Hội thi thợ giỏi nhằm nâng cao tay nghề, năng suất lao động; gắn phong trào thi đua yêu nước với việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Đồng thời, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả; xây dựng tiêu chí, nội dung, cách thức thi đua khen thưởng phù hợp với các loại hình doanh nghiệp; coi trọng công tác khen thưởng đột xuất, tập trung vào những sáng kiến giải quyết khó khăn trong sản xuất kinh doanh, trong chăm lo, giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-nang-suat-lao-dong-tu-cac-phong-trao-thi-dua-174018.html